Đồng tiền số Bitcoin lại vừa thiết lập đỉnh mới khi chạm mốc 40.000 USD theo dữ liệu của Bloomberg – đánh dấu mức tăng hơn gấp đôi trong 1 tháng qua.
Lần đầu tiên ra mắt năm 2009, từ trước đến nay Bitcoin vẫn được coi là đồng tiền kỹ thuật số không có tính chính thống, chỉ mãi đứng ở bên lề của nền kinh tế. Tuy nhiên, đồng tiền này đã dần dần trở thành chính thống. Hiện nay gần như Bitcoin đã trở thành một dạng “vàng kỹ thuật số”, hay nói cách khác là 1 tài sản kỹ thuật số khan hiếm như vàng.
Để đối phó với những thiệt hại kinh tế mà Covid-19 gây ra, chính phủ các nước trên khắp thế giới đã ồ ạt in tiền, làm ngập thị trường với tiền giá rẻ nhằm thúc đẩy chi tiêu, từ đó giải cứu nền kinh tế khỏi suy thoái. Tuy nhiên tăng cung tiền cũng đồng nghĩa với tiền mất giá và dẫn đến việc mọi người đổ xô đi tìm những tài sản có thể bảo vệ họ trước rủi ro lạm phát.
Đặc biệt, trong bối cảnh các loại tài sản khác mang lại mức lợi suất thấp như hiện nay, Bitcoin trở thành 1 lựa chọn khá hấp dẫn.
Bitcoin là gì?
Bitcoin, đồng tiền số lớn nhất thế giới hiện nay xét theo giá trị vốn hóa, có nguồn cung tối đa là 21 triệu đồng, và hiện đã có 18.590.300 đồng đang lưu hành. 21 triệu là con số không thể thay đổi, do đó tạo ra sự khan hiếm giả tạo – điều đảm bảo chắc chắn rằng giá trị của đồng tiền kỹ thuật số này sẽ tăng lên theo thời gian.
Khác với việc các NHTW có thể tùy ý điều chỉnh nguồn cung của các đồng tiền pháp định, nguồn cung Bitcoin là cố định và không thể bị tác động bởi các quyết định chính trị.
Bitcoin chủ yếu được giao dịch trên các sàn giao dịch tiền số trực tuyến, nhưng cũng có thể được gửi đi, nhận về và tích trữ trong các “ví kỹ thuật số” trên các ổ cứng chuyên dụng hoặc các ứng dụng trên điện thoại di động.
Tuy nhiên có lẽ khía cạnh đặc biệt nhất của Bitcoin là công nghệ blockchain đằng sau nó. Đó là cơ sở dữ liệu “bất di bất dịch”, khiến lịch sử giao dịch không thể thay đổi.
Đồng tiền kỹ thuật số phi tập trung
Bitcoin là đồng tiền “phi tập trung”, hay nói cách khác, nó hoạt động dựa trên 1 mạng lưới giao dịch ngang hàng phân tán thay vì tập trung vào 1 mối đầu mối tại NHTW như các đồng tiền pháp định.
Và mạng lưới này hoạt động được là nhờ sự tham gia của các “thợ đào” Bitcoin. Thợ đào có thể là bất kỳ ai cài đặt vào máy tính của họ phần mềm xác nhận các giao dịch Bitcoin trên chuỗi khối (blockchain). Họ nhận được phần thưởng là những đồng Bitcoin, và phần thưởng đó sẽ giảm đi một nửa sau mỗi 4 năm.
Giảm dần phần thưởng cho thợ đào là một phần trong bộ quy tắc bất di bất dịch mà nhà sáng lập Bitcoin – Satoshi Nakamoto – đưa ra từ khi đồng tiền này ra đời. Đây cũng là đặc điểm khiến quá trình “đào” Bitcoin giống với quá trình khai thác vàng ngoài thực tế: ban đầu rất dễ dàng nhưng mức độ khó sẽ tăng dần theo thời gian.
Hiện nay các thợ đào Bitcoin kiếm được 6,25 đồng trên mỗi block đào được, giảm so với con số 50 Bitcoin của những năm đầu tiên. Do đó càng tham gia sớm thì sẽ càng có lợi vì độ khan hiếm sẽ tăng dần.
Bởi vì điều này, giá được cho là sẽ tăng lên để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên vì mọi người đã biết trước mức độ khan hiếm trong tương lai, sự kiện cứ 4 năm phần thưởng lại giảm một nửa thường đã được phản ánh vào giá trước khi sự kiện diễn ra.
Do đó, mức biến động giá “điên rồ” của Bitcoin thường phản ánh sự thay đổi về nhu cầu, mà lần này là sự tham gia của một loạt các nhà đầu tư định chế mới quan tâm đến tiền số trong thời gian gần đây. Và cũng có ngày càng nhiều các công ty đại chúng đầu tư vào Bitcoin.
Nhưng Bitcoin sẽ đem đến cho xã hội những chức năng gì?
Một tài sản an toàn
Trong bối cảnh bất ổn như hiện nay, mua Bitcoin là 1 cách để đa dạng hóa tài sản. Với đại dịch chưa biết đến bao giờ mới kết thúc, 1 cuộc chuyển giao quyền lực hỗn loạn chưa từng thấy ở Mỹ và bức tranh địa chính trị thế giới có nhiều thay đổi mang tính lịch sử, rất có thể sẽ có nhiều người hơn nữa coi vàng và Bitcoin là những tài sản thay thế cho đồng USD.
Bitcoin có lợi thế về quyền riêng tư
Bitcoin ra đời trong thời đại internet, thời đại mà những lo lắng về quyền riêng tư là vấn đề nổi cộm. Các ý tưởng cội nguồn sản sinh ra Bitcoin mang đậm dấu ấn cypherpunk – một phong trào tự do nổi lên trong thời kỳ những năm 1990 và đầu những năm 2000, dựa trên sự ẩn danh, mã hóa và quyền riêng tư – tất cả đều là những ý tưởng quan trọng đối với Satoshi.
Lần lại các cuộc thảo luận trên những diễn đàn trực tuyến sẽ thấy phong trào cypherpunk ủng hộ Bitcoin vì đây là 1 đồng tiền kỹ thuật số ẩn danh cho phép mọi người tương tác trực tuyến mà không bị chính phủ hoặc các doanh nghiệp theo dõi, đem đến sự lựa chọn thay thế tuyệt vời cho bất cứ ai không tin vào hệ thống ngân hàng liên bang.
Có lẽ làn sóng kỹ thuật số bùng nổ trong đại dịch Covid-19 càng làm tăng nỗi sợ hãi về sự an toàn và quyền riêng tư trên không gian mạng, và một lần nữa lại khiến công chúng quan tâm đến tiềm năng của Bitcoin.
Cú bùng nổ mới nhất của Bitcoin là sự kết hợp của 3 nhân tố: lý tưởng, tâm lý của xã hội và niềm hi vọng.
Tuy nhiên mặc dù đây là những biến số sẽ thay đổi, rõ ràng chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của nền kinh tế kỹ thuật số, mối quan tâm đến công nghệ và tầm ảnh hưởng của những nhà đầu tư định chế trên thị trường tiền số.
Viễn cảnh tương lai
Các đồng tiền kỹ thuật số phi tập trung mang đến những cách thức giao dịch hoàn toàn mới mà không cần đến 1 tổ chức đầu mối tập trung. Và các mạng lưới phi tập trung dựa trên công nghệ blockchain không chỉ “chắp cánh” cho tiền số. Tương tự như các ứng dụng trên smartphone, các nhà phát triển phần mềm trên khắp thế giới đang xây dựng các ứng dụng phi tập trung (Dapps) dựa trên Bitcoin và các công nghệ blockchain khác. Ngoài ra cũng có một loạt đồng tiền số khác ra đời, ví dụ như Etherum.
Một trong số các Dapps là những công cụ tài chính phi tập trung (DeFi) phục vụ việc dự đoán thị trường, vay mượn tiền số, đầu tư tiền số và gọi vốn bằng tiền số.
Thử nghiệm táo bạo của Satoshi đang vận hành đúng như dự tính. Và giờ điều cần quan tâm nhất là điều đó có ý nghĩa gì đối với tương lai loài người.
Tham khảo The Conversation