Đạo luật “Holding Foreign Companies Accountable” (Yêu cầu các công ty nước ngoài chịu trách nhiệm) được đưa ra nhằm giải quyết một vấn đề nhức nhối của các cơ quan quản lý chứng khoán Mỹ đối với Bắc Kinh tồn tại trong nhiều thập kỷ qua, đó là không cho phép họ thực hiện kiểm toán. Nếu dự luật này được thông qua thành luật, các công ty Trung Quốc sẽ phải tuân thủ cá quy tắc hoặc đối mặt với việc bị hủy niêm yết. Điều này sẽ đưa các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ với tổng giá trị 1,3 nghìn tỷ USD rơi vào nguy cơ không được quyền tiếp cận với thị trường vốn lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, những chuyên gia theo dõi thị trường và nhà đầu tư cho biết các doanh nghiệp và quỹ đầu tư của Mỹ lại có thể trở thành những “nạn nhân bất đắc dĩ” nếu các công ty Trung Quốc rời khỏi thị trường nước này.
Anna Ashton – giám đốc cấp cao thuộc bộ phận các vấn đề chính phủ tại Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ – Trung, cho hay: “Dù động thái này sẽ gây tổn hại đến Trung Quốc, nhưng liệu có hợp lý để chính phủ đồng ý hay không? Điều đó vẫn chưa rõ. Đây vẫn chỉ là một trong nhiều đề xuất về cách tiếp cận của chúng tôi đối với Trung Quốc.”
Dự luật đã được Thượng viện Mỹ thông qua vào ngày 20/5 và đang chờ đợi kết quả từ cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện. Theo dự luật này, nếu các công ty Trung Quốc không cung cấp thông tin minh bạch trong 3 năm liên tiếp, thì cổ phiếu sẽ bị cấm giao dịch.
Đối với những “ông lớn” ngành quản lý quỹ trên Phố Wall như BlackRock, T Rowe Price và Vanguard – đã rót hàng chục tỷ USD vào các công ty Trung Quốc, thì điều này đồng nghĩa với việc họ mất khả năng tiếp cận dễ dàng với những công ty trong một nền kinh tế vẫn phát triển với tốc độ nhanh chóng, bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch.
Nếu các công ty Trung Quốc bắt đầu rời khỏi các sàn giao dịch tại Mỹ, thì nhà đầu tư cũng hứng chịu cảnh khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh, theo đó giá cổ phiếu cũng “bốc hơi”. Do đó, việc từ bỏ cổ phiếu của các công ty Trung Quốc không phải là một lựa chọn hợp lý.
Rory Green – kinh tế gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Ts Lombard, nhận định: “Ở thị trường hiện tại, khi cổ phiếu công nghệ có diễn biến vượt trội, thì các nhà quản lý quỹ gần như không thể vượt trội hay sánh ngang với MSCI China, nếu họ không nắm giữ cổ phiếu của các công ty như Alibaba, hay Baidu, NetEase và JD.”
Theo Morningstar, việc phân bổ vào các loại chứng chỉ lưu ký Mỹ của các quỹ thị trường mới nổi chủ động đã tăng 10 điểm so với năm ngoái lên mức 35% trong tháng 4. Tuy nhiên, theo David Semple – quản lý danh mục đầu tư tại VanEck EM Equity Strategy, sự thay đổi này lại cho thấy “sự chật vật và cạnh tranh” để duy trì mức độ tiếp cận tương tự đối với các công ty này, khi họ phải niêm yết tại các sàn giao dịch khác.