Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) hiện đang sở hữu 3,26% vốn tại Tập đoàn Bảo Việt (BVH); 37,1% vốn tại Nhựa Tiền Phong (NTP). Đặc biệt, riêng tại Tổng CTCP Bảo Minh (BMI), SCIC sở hữu tới 50,7% vốn. Tương đương với giá trị sở hữu vốn lần lượt là BVH 221 tỷ, NTP 437 tỷ và BMI là 553 tỷ đồng.
Đây được đánh giá là những đơn vị sáng giá trong tổng số 88 doanh nghiệp thuộc nhóm 1 – nhóm triển khai bán vốn ngay năm nay theo yêu cầu của Bộ Tài chính.
Trong số này sự quan tâm được đổ dồn về BMI bởi Nhà nước đang nắm tới gần 51% giá trị vốn tại doanh nghiệp này. BMI hiện cũng đang được coi là ngôi sao sáng khi các số liệu từ báo cáo tài chính của doanh nghiệp này rất khả quan. Năm 2021, BMI đặt mục tiêu doanh thu là 5.025 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 277 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện 2020. So với kế hoạch đề ra, BMI đã thực hiện được 53% mục tiêu doanh thu và 84% mục tiêu lợi nhuận trước thuế.
Về tổng tài sản của BMI tính đến ngày 30/09/2021 đạt hơn 7.138 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm chủ yếu do tài sản tái bảo hiểm tăng 52%, đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 10% cùng với tiền và các khoản tương đương tiền tăng 72%.
Trung tuần tháng 10-2021, khi thông tin Bộ Tài chính yêu cầu tập trung thoái vốn tại 3 doanh nghiệp nay, giá của cả 3 cổ phiếu trên đều tăng. Trong đó, giá cổ phiếu NTP tăng từ vùng 50.000 đồng lên 61.900 đồng chốt phiên giao dịch 26/10, giá cổ phiếu BVH cũng tăng từ 61.400 đồng lên 64.400 đồng, BMI cũng tăng giá từ 41.500 đồng lên 46.000 đồng/cổ phiếu.
Theo ước tính, nếu bán hết số vốn trên bằng thị giá cổ phiếu phiên giao dịch nêu trên, SCIC sẽ thu về trên 1.500 tỷ đồng bán vốn tại Tập đoàn Bảo Việt, hơn 2.000 tỷ đồng tại Công ty nhựa thiếu niên Tiền Phong và khoảng 2.700 tỷ đồng tại Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh.
Như vậy, tổng số tiền thu về được là khoảng trên 6.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể tín hiệu tích cực từ thị trường tích cực có thể giúp tổng giá trị thoái vốn tăng thêm.
Toàn bộ số tiền thu được từ hoạt động thoái vốn 3 doanh nghiệp kể trên sẽ được nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Theo kỳ vọng, việc thoái vốn sẽ xong trước để nộp vốn về ngân sách Nhà nước trước ngày 20/12/2021.
Lợi cả 4 bên
Theo một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường, sở dĩ cơ quan chức năng tập trung bởi đây là các doanh nghiệp mạnh, kinh doanh tốt, tính thanh khoản cao, hấp dẫn các nhà đầu tư. Ngoài ra đây là thời điểm “thiên thời, địa lợi” khi chính sách về thoái vốn được nới lỏng. Trong đó đáng chú ý là cơ chế nới room ngoại lên 100% đã được “bật đèn xanh”
Trong trường hợp cụ thể, hiện cơ cấu cổ đông của BMI hiện nay gồm có SCIC sở hữu xấp xỉ 51%, Tập đoàn AXA (Pháp) và cổ đông lớn nước ngoài khác sở hữu trên 20%. Nếu nguồn vốn của BMI được chuyển nhượng thành công cho nhà đầu tư ngoại, đây là thương vụ đầu tiên một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có sự tham gia với quyền chi phối vốn của doanh nghiệp nước ngoài.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc nhà đầu tư ngoại mua vào sẽ tạo ra lợi ích cho cả 4 bên. Thứ nhất ngân sách Nhà nước thu được nguồn tiền lớn với cơ chế minh bạch, thanh khoản nhanh; Thứ hai, doanh nghiệp được mua lại sẽ có cơ hội tái cấu trúc với sự quản trị của nguồn lực và chất xám ngoại giúp thúc đẩy cơ hội phát triển cho doanh nghiệp đó; Thứ ba, các nhà đầu tư tham gia vào thị trường mới mẻ, tiềm năng, sở hữu một doanh nghiệp có uy tín và thực lực; Thứ tư, thương vụ này sẽ tạo ra làn sóng tích cực cho thị trường chứng khoán, các nhà đầu sẽ có cơ hội để tham gia vào một thị trường sôi động và minh bạch.
Hiện tại, BMI đã thông qua kế hoạch nới room ngoại lên 100% mở đường cho việc thoái toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp. BMI đã trình Bộ Tài chính phương án nới room này.
Mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức cập nhật “điều kiện tiếp cận thị trường” cho các ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có lĩnh vực bảo hiểm.
Theo đó, quy định “không hạn chế” đối với tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Đặc biệt, Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 02/7/2021 cũng nêu rõ bảo hiểm không thuộc 7 lĩnh vực Nhà nước sẽ nắm 65% vốn điều lệ sau chuyển đổi cổ phần hóa, thoái vốn.
Theo ông Ngô Quốc Hưng, chuyên viên cao cấp Công ty Chứng khoán MB, nếu doanh nghiệp ngoại nhận thoái vốn các doanh nghiệp trong nước, thị trường chứng khoán sẽ tăng cả lượng lẫn chất. Tạo điều kiện đưa thị trường tiếp cận với thông lệ quốc tế, tạo ra sự minh bạch và công bằng cho các nhà đầu tư nội địa lẫn nước ngoài. Đây cũng là điều kiện cần có để nâng hạng thị trường chứng khoán.