Căn bệnh lây lan đáng ngại ở chốn văn phòng tạo nên Đại khủng hoảng nghỉ việc: ‘Anh rời đi, tôi cũng không ở lại!’

Căn bệnh lây lan đáng ngại ở chốn văn phòng tạo nên Đại khủng hoảng nghỉ việc: ‘Anh rời đi, tôi cũng không ở lại!’

Thị trường lao động Mỹ đang chứng kiến một “căn bệnh” lây nhiễm kỳ lạ. Các triệu chứng của nó xuất hiện trong khoảng 2 tuần và sự lây lan có thể nhìn thấy trong thời gian thực. Đó là căn bệnh “bỏ việc”. Trong khi đó, rất ít những ông chủ, sếp lớn có thể thay đổi suy nghĩ này của các nhân viên.

Tiff Cheng, 27 tuổi, vừa rời bỏ công việc digital marketing vào tháng 7, chia sẻ: “Thật là shock khi bạn chứng kiến nhiều người bỏ đi. Tôi nghĩ rằng liệu có phải đến lúc tôi cũng nên bỏ việc hay không”. Tiff nghỉ việc sau khi 5 người bạn ở cơ quan có 40 người quyết định bước vào hướng đi khác.

Tỷ lệ người lao động bỏ việc tại Mỹ vào tháng 8, 9 và 10 đều ở mức cao. Sau đó, theo số liệu của Bộ Lao động, con số đó còn cao hơn nữa: 4,5 triệu người tự nguyện rời bỏ công việc vào tháng 11 – mức cao kỷ lục trong 2 thập kỷ cơ quan này theo dõi số liệu.

Hiệu ứng lây lan của quyết định nghỉ việc

Các nhà kinh tế giải thích rằng, xu hướng này xảy ra khi người lao động muốn mức lương và phúc lợi tốt hơn. Trong khi đó, các nhà tâm lý học lại cho rằng: Bỏ việc là một hành động rất dễ gây hiệu ứng lây lan.

Khi người lao động cân nhắc liệu có nên “nhảy việc” hay không, họ chỉ đánh giá mức lương, phúc lợi và triển vọng phát triển. Họ nhìn xung quanh và để ý xem bạn bè cảm thấy như thế nào về văn hóa nơi làm việc hiện tại. Khi một người rời đi, đây cũng là “đèn báo hiệu” cho thấy những người khác đã đến lúc phải cân nhắc lại lựa chọn của mình. Đây là hiện tượng được các nhà nghiên cứu gọi là “sự lây lan của hành động nghỉ việc” (turnover contagion)

Do đó, một người bỏ việc sẽ dẫn đến nhiều người cũng bỏ việc. Đây là thách thức đối với các nhà tuyển dụng, một vấn đề không phải lúc nào cũng có thể giải quyết bằng tiền lương hay cung cấp cho họ thêm đặc quyền. Will Felps – giảng viên ngành quản lý tại Đại học New South Wales và là tác giả của nghiên cứu về “turnover contagion”, cho biết ngay cả một thông báo nghỉ việc duy nhất cũng có thể tạo ra một “điểm nóng”.

Ông Felps và nhóm của mình đã nghiên cứu về nhân sự tại 1 công ty kinh doanh khách sạn và một số chi nhánh ngân hàng ở Mỹ. Nhóm nhận thấy rằng, quyết định nghỉ việc của 1 người có khả năng “truyền cảm hứng” cho những người khác vốn không thấy sự gắn bó sâu sắc với công ty. Trong một cuộc thăm dò gần đây với hơn 21.000 người dùng LinkedIn, 59% cho biết việc 1 đồng nghiệp thôi việc cũng khiến họ cân nhắc về quyết định tương tự.