Từ ngày 1/1/2022, các DN xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang Trung Quốc phải đăng ký và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã. Tuy nhiên, không ít DN cho biết, dù nhiều tháng gửi hồ sơ, đến nay vẫn chưa có kết quả khiến nhiều lô hàng của DN có nguy cơ ách tắc. Đặc biệt, việc xử lý chậm còn làm gián đoạn hoạt động thương mại, gây thiệt hại lớn cho DN.
Phóng viên Tiền Phong đã trao đổi với TS Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam, Bộ NN&PTNT).
Nhiều DN phản ánh về việc nộp hồ sơ để cấp mã xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc theo Lệnh 248 và 249 nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả, ông có thể cho biết tình hình cấp mã hiện nay ra sao?
Vào ngày 24/12/2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo kết quả lần thứ nhất cho Việt Nam, có 1.045 mã sản phẩm của các DN đã được cấp mã xuất khẩu. Đến hôm nay (ngày 10/1) con số lên tới 1.389 mã. Mỗi sản phẩm sẽ được phía Trung Quốc cấp 1 mã nên số lượng trên tương ứng với khoảng 1.200 DN được cấp. Đến thời điểm này, tất cả hồ sơ của DN gửi trước ngày 30/10/2021 đã được cơ quan chức năng gửi hết sang Tổng cục Hải quan Trung Quốc, không còn hồ sơ nào tồn ở các đơn vị. Trong thời gian này, chúng ta phải chờ phía Trung Quốc thẩm định và phê duyệt. Còn những DN nào chưa gửi hồ sơ trước ngày 30/10/2021, vẫn có thể vẫn gửi bình thường.
Vậy, so với tổng số hồ sơ mà các DN Việt Nam gửi, tỷ lệ các sản phẩm đã được cấp mã chiếm bao nhiêu %, thưa ông?
Có hai cách để DN nộp hồ sơ. Một là, các DN gửi đến 5 cơ quan thuộc 3 bộ của Việt Nam gồm: Cục Bảo vệ thực vật, Cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản & Thủy sản, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ Công Thương). Cách thứ 2 là DN tự làm hồ sơ và đăng ký thẳng qua Tổng cục Hải quan Trung Quốc.