Mùa hè năm 2008, nhân dịp sinh nhật Tập đoàn Vincom (tiền thân của Vingroup), Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đã giới thiệu các vị trí lãnh đạo mới của Tập đoàn Tài chính Vincom (VFG). Đó là một chuyên gia người Ấn Độ được ông Vượng mời về. VFG có định hướng hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, công ty quản lý quỹ và công ty chứng khoán.
Nhưng đó cũng là giai đoạn diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ bắt đầu từ nước Mỹ, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Bối cảnh u ám này khiến cho ông Phạm Nhật Vượng quyết định dừng không tham gia mảng tài chính, cho dù đã chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ nhân sự chủ chốt.
“Quyết định dừng mảng tài chính diễn ra thần tốc chỉ trong 1 tuần”, theo chia sẻ của một cựu lãnh đạo công ty chứng khoán Vincom.
Kể từ thời điểm 2009 đến nay, Vingroup đã mở ra và đóng lại không biết bao nhiêu dự án: VinDS (hệ thống cửa hàng quần áo, giày dép trong trung tâm thương mại Vincom), Vinlink, VinExpress (lĩnh vực logistics), Emigo (công ty thời trang VinFashion), VinPro/Adayroi/VinMart (bán lẻ – thương mại), Vinpearl Air (hàng không)…
Có những dự án đã hoạt động trong nhiều năm, cũng có những dự án dừng lại khi đang còn thai nghén, nhưng cũng có những dự án đang là di sản để lại cho thị trường như chuỗi bán lẻ hiện đại VinMart bán cho Masan Group.
Đến thời điểm hiện tại, Vingroup vừa thông báo sẽ dừng tiếp việc nghiên cứu, sản xuất ti vi và điện thoại di động để tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm điện tử và các tính năng về “Infotainment” cho ô tô VinFast.
Bối cảnh sau 13 năm của Tập đoàn Vingroup đã khác, triển vọng kinh tế vĩ mô đầy lạc quan. Cho dù ảnh hưởng của COVID-19, nhưng Việt Nam nằm trong số các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế hồi phục mạnh mẽ. Yếu tố khách quan thuận lợi, vấn đề lúc này nằm ở nội tại của Tập đoàn Vingroup.
Nếu như năm 2008 Chủ tịch Phạm Nhật Vượng nói rằng “cốt lõi của chúng ta là bất động sản” thì lúc này điều đó không còn đúng nữa. Vingroup đang sở hữu VinFast, công ty mục tiêu trở thành một trong những hãng xe điện thông minh và tiện ích nhất thế giới.
Bước ngoặt diễn ra vào năm 2017, Vingroup cho khởi công dự án nhà máy sản xuất ô tô VinFast với tổng mức đầu tư 3,5 tỷ USD. Thời điểm đó, chưa nhiều người hình dung ra cách thức mà tập đoàn này sẽ triển khai với ngành công nghiệp ô tô đòi hỏi hàm lượng kỹ thuật cao vốn không phải thế mạnh sở trường.
Cuối năm 2018, Vingroup tuyên bố định hướng trở thành tập đoàn Công nghệ – Công nghiệp trong vòng 10 năm, thành lập công ty VinTech, sản xuất điện thoại thông minh Vsmart tung ra thị trường.
Thành quả có được của Vingroup là hơn 17.400 tỷ đồng doanh thu sản xuất công nghiệp năm 2020, tăng trưởng gần gấp đôi so với năm trước đó. Điều này đến từ doanh số bán ô tô 31.500 chiếc, doanh số bán xe máy 45.400 chiếc, doanh số điện thoại gần 2 triệu chiếc.