Hoa hậu và chứng khoán: Vì sao nhà kinh tế học vĩ đại tầm thế giới vẫn chật vật trên thị trường cổ phiếu?

Hoa hậu và chứng khoán: Vì sao nhà kinh tế học vĩ đại tầm thế giới vẫn chật vật trên thị trường cổ phiếu?

John Maynard Keynes – nhà kinh tế học người Anh và là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20 – đã so sánh việc đầu tư chuyên nghiệp với việc bình chọn hoa hậu, trong tác phẩm Lý thuyết chung về việc làm, lãi suất và tiền tệ, cho ra đời khái niệm tài chính hành vi Cuộc thi sắc đẹp Keynesian (Beauty Contest Keynesian). Cuộc thi sắc đẹp là một thử nghiệm kinh tế về lý thuyết trò chơi để nghiên cứu hành vi ra quyết định của con người, hay cụ thể là các nhà đầu tư.

Bạn nghĩ thế nào là đẹp? Thông thường thì mỗi nền văn hóa, thậm chí là mỗi người người sẽ có một tiêu chuẩn riêng cho cái đẹp. Trong thế giới tự nhiên, điều này giúp chúng ta dễ tìm được “bạn đời” hơn (sẽ thật khó khăn nếu như mọi người có tiêu chuẩn chung về cái đẹp và số đông sẽ tranh giành những người mà ai cũng cho là đẹp). Thế nhưng trong Cuộc thi sắc đẹp Keynesian thì khác. 

Chắc hẳn bạn đã quen với những chương trình bình chọn hoa hậu, hay cầu thủ bóng đá, hay thần tượng âm nhạc “được yêu thích nhất”. Được yêu thích nhất ở đây được hiểu là nhận nhiều phiếu bình chọn nhất. Nhưng khi việc nhận giải lại được quyết định bởi câu hỏi “phụ” (thật ra là không phụ chút nào) – “có bao nhiêu người lựa chọn giống bạn?” thì việc được bình chọn nhiều nhất không đồng nghĩa với được yêu thích nhất nữa.

Những cuộc bình chọn như vậy đã có từ rất lâu trong lịch sử. Vào những năm 1930, một cuộc thi bình chọn người đẹp được tổ chức khá phổ biến trên báo. Những người tham gia sẽ bình chọn gương mặt đẹp nhất trong số 100 bức ảnh. Mỗi độc giả được chọn 6 người, và lựa chọn của họ sẽ được so sánh với tất cả các độc giả khác khác. Nếu lựa chọn của độc giả chính là những gương mặt được bình chọn nhiều nhất, họ sẽ giành giải thưởng.