Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay khi triển khai công tác thu hồi đất, thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân chính là các trường hợp cho tặng, thừa kế, chuyển nhượng đất bằng “giấy tay”.
Theo thống kê của Trung tâm Phát triển quỹ đất H.Long Thành hiện nay, trong khu vực dự án Sân bay Long Thành có khoảng 1000 trường hợp đất “giấy tay”. Trung tâm Phát triển quỹ đất H.Long Thành đã thực hiện phân loại đối với các trường hợp đất cho tặng, thừa kế, chuyển nhượng bằng “giấy tay”.
Cụ thể, đối với đất “giấy tay” hiện có 2 dạng chính là tách trọn thửa đất và “giấy tay” cắt thửa. Trong khoảng 1 ngàn trường hợp đất “giấy tay”, có khoảng 80% là các trường hợp được cho, tặng. Sau khi thực hiện phân loại, đơn vị đã báo cáo để xin ý kiến các sở, ngành trong việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp này.
Việc xử lý để thực hiện các chính sách đối với các trường hợp đất “giấy tay” hiện là vướng mắc lớn nhất đối với công tác giải phóng mặt bằng dự án Sân bay Long Thành. “Giấy tay” nói nôm na là hai bên tự ký với nhau mà không có xác nhận nào của cơ quan chức năng nên việc giải quyết chính sách bồi thường, hỗ trợ rất khó khăn, đặc biệt là liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề và xét tái định cư.
Thực tế, Đồng Nai cũng đã có văn bản gửi Bộ TN-MT để xin hướng dẫn thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp đất “giấy tay” thuộc dự án Sân bay Long Thành. Theo hướng dẫn của Bộ TN-MT, việc thực hiện các chính sách liên quan đều được căn cứ trên cơ sở là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, việc giải quyết các chính sách đối với đất “giấy tay” hiện vẫn chưa có hướng xử lý cụ thể.
Bên cạnh đó, thực hiện chính sách đền bù, hỗ trợ cho những trường hợp chuyển nhượng đất bằng “giấy tay” cũng sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án Sân bay Long Thành. Bởi, lúc đó, các cơ quan chức năng bắt buộc phải thực hiện lại các công tác đo đạc, kiểm đếm để xử lý.
Hiện nay, đối với sự đa dạng của các trường hợp đất “giấy tay” thuộc dự án Sân bay Long Thành, các cơ quan chức năng cho rằng không thể có một “mẫu số chung” để xử lý mà chỉ có thể phân loại để xử lý. Các trường hợp đất “giấy tay” phải phân loại ra từng trường hợp cụ thể để xử lý. Khi xử lý phải kết hợp giữa thực tế và các quy định của pháp luật để thực hiện.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, UBND H.Long Thành cần phân loại hồ sơ đối với các trường hợp đất “giấy tay” để xử lý. Những trường hợp dễ, đơn giản thì xử lý sớm, những trường hợp phức tạp cần tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh để hướng dẫn xử lý. Trường hợp cần thiết, UBND tỉnh sẽ có văn bản xin ý kiến các bộ, ban ngành hướng dẫn xử lý.