Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong quý 1/2020, dư nợ tín dụng đổ vào BĐS chỉ đạt 526.396 tỷ đồng thì đến quý 2 con số này đã tăng lên 580.186 tỷ đồng. Quý 3 là 606.253 tỷ đồng và quý 4 là 633.470 tỷ đồng.
Theo Bộ Xây dựng, sở dĩ việc dư nợ tín dụng BĐS giảm trong quý 1 chủ yếu do đây là khoảng thời gian đại dịch Covid 19 diễn ra phức tạp nhất, tới quý 2/2020 dư nợ tín dụng BĐS của doanh nghiệp tăng đáng kể, thị trường BĐS đã bắt đầu có sự cải thiện hơn về giao dịch.
Đáng chú ý, dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS tăng dần lên trong từng quý. Cụ thể, trong quý 3/2020 tăng 4,3% so với quý 2/2020, quý 4/2020 tăng 4,53% so với quý 3/2020, điều này cho thấy tốc độ tăng về dư nợ đã ổn định hơn trong quý 3 và 4/2020.
Ngoài việc nguồn cung vốn chủ yếu cho thị trường BĐS là tín dụng ngân hàng, thị trường BĐS trong năm 2020 vẫn có sự thu hút các nguồn vốn khác như vốn đầu tư cá nhân, kiều hối gửi về và vốn từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu của các doanh nghiệp niêm yết và vốn FDI.
Cùng với việc các ngân hàng “đua nhau” rót vốn cho các doanh nghiệp BĐS thì nhiều ngân hàng cũng bắt đầu hạ lãi suất cho vay mua nhà.
Cụ thể, tại VPBank (từ 5,9%/năm trong 3 tháng đầu tiên, 7,9%/năm trong 6 tháng hoặc 8,9%/năm trong 12 tháng đầu tiên); BIDV (từ 7,6%/năm trong 12 tháng đầu tiên hoặc 9,2%/năm trong 36 tháng đầu tiên); Vietcombank (từ 6,79%/năm, cố định trong 6 hoặc 12 tháng đầu); Thậm chí, mức lãi suất cho vay mua nhà tại ngân hàng OCB còn xuống dưới 5%/năm (mức lãi vay mua nhà dự án 4,99%/năm được OCB áp dụng trong 3 tháng đầu với khách hàng có khoản vay từ 48 tháng trở lên; những trường hợp khác được vay lãi suất 7,99%/năm trong 6 tháng đầu).
Theo Bộ Xây dựng, so với thời điểm cuối 2019, lãi suất cho vay mua nhà cố định năm đầu tiên đã thấp hơn và thời điểm hiện nay đang có xu hướng giảm về vùng thấp nhất 10 năm trở lại đây.