Nhiều ngân hàng đã đưa ra hàng loạt các ứng dụng mới giúp người dân tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng dễ dàng và tiện lợi. Nhờ vậy, số lượng khách hàng mới cũng như doanh thu từ dịch vụ gia tăng đáng kể, góp phần giúp lợi nhuận năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng trưởng mạnh và vượt kế hoạch đề ra.
Là ngân hàng tiên phong trong chuyển đổi số ở trong nước và đang vươn ra quốc tế, HDBank thời gian qua đã không ngừng triển khai các hoạt động số hóa, khẳng định năng lực thích nghi, hòa nhập và dẫn dắt toàn thị trường trong kỷ nguyên số. Một trong số đó là tự động hóa quy trình vận hành bằng robot với công nghệ RPA – Robotic Process Automation.
RPA là công nghệ cho phép cấu hình phần mềm hoặc robot mô phỏng các thao tác của nhân viên trên màn hình máy tính với độ chính xác và tốc độ cao. Nhờ sử dụng các trợ lý robot, nhân sự ngân hàng được giải phóng khỏi các công việc thủ công để tập trung vào việc sáng tạo nhằm cải thiện dịch vụ, phát triển kinh doanh, tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu suất làm việc. Ưu điểm của các trợ lý robot là làm việc 24/7 và không mắc lỗi nên đảm bảo tính liên tục trong vận hành cũng như nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Được biết đến thời điểm này HDBank đã hoàn thành giai đoạn 1 với việc đã triển khai tự động hóa các quy trình vận hành quan trọng: tự động xử lý các yêu cầu từ khách hàng; thực hiện kiểm tra chấm công cho nhân sự… bằng trợ lý robot. Theo kế hoạch, HDBank sẽ triển khai 50 robot trong năm 2021 và sẽ hoàn thành kế hoạch tự động hóa 500 quy trình của Ngân hàng vào năm 2023.
Theo lãnh đạo HDBank, với việc triển khai tự động hóa các quy trình vận hành quan trọng trong hoạt động, theo đó là sự hỗ trợ của các trợ lý robot đã giúp HDBank giảm hơn 80% khối lượng công việc của nhân sự vận hành, tăng tốc độ xử lý gấp 30 lần (từ 3 phút xuống chỉ còn 5 giây/giao dịch) với tỷ lệ sai sót gần như bằng 0.
Hơn nữa, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc tự động hoá quy trình nhằm giảm bớt các khâu trung gian, rút ngắn thời gian xử lý công việc, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người và người đang là xu hướng chung của các doanh nghiệp trên thế giới.