QE và triển vọng giá vàng dài hạn
Đáng chú ý, tại cuộc họp vừa qua, FED quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0- 0,25% và cam kết giữ nguyên mức này cho tới khi kinh tế Mỹ phục hồi trở lại; đồng thời FED tuyến bố sẽ thực hiện tất cả các công cụ chính sách tiền tệ hiện có, đặc biệt là chương trình nới lỏng định lượng (QE) không giới hạn để hỗ trợ cho nền kinh tế Mỹ. Đây là những tuyên bố chính sách tiền tệ chưa từng có trong tiền lệ của FED. Cam kết chính sách này của FED được đưa ra sau khi tăng trưởng GDP quý 1 của Mỹ âm tới 4,8%, thậm chí nhiều chuyên gia dự báo GDP quý 2 có thể sẽ âm tới 10- 20% nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.
Còn nhớ tại cuộc họp ngày 15/3 vừa qua, FED đã tung ra chương trình QE trị giá 700 tỷ USD để mua trái phiếu chính phủ và các chứng khoán nợ có tài sản đảm bảo (MBS). Với cam kết thực hiện QE không giới hạn, nhiều chuyên gia nhận định tài sản nợ trong bảng cân đối tài sản của FED sẽ tăng từ 6,6 nghìn tỷ USD hiện nay, lên tới mức khoảng 11 nghìn tỷ USD trong những tháng tới.
Việc FED triển khai chương trình siêu QE trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang suy giảm mạnh, doanh nghiệp kiệt quệ, thất nghiệp tăng cao là vô cùng cần thiết. Chương trình này một mặt làm tăng vốn khả dụng cho kinh tế Mỹ, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, kích thích thị trường lao động; mặt khác sẽ đẩy giá MBS tăng lên, đồng nghĩa lợi suất trái phiếu giảm xuống, giúp các doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường trái phiếu với chi phí rẻ hơn. Khi chi phí vốn rẻ hơn, doanh nghiệp sẽ có điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh, làm giảm tỷ lệ thất nghiệp và hỗ trợ nền kinh tế phục hồi trở lại.
Tuy nhiên, chương trình QE cũng có mặt trái của nó, cụ thể khi FED thực hiện chương trình này, sẽ làm tăng khối lượng tài sản nợ trong bảng cân đối tài sản của mình, và bơm ra nền kinh tế một lượng tiền khổng lồ. Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, thì các doanh nghiệp cũng khó hấp thụ hết số tiền mà FED bơm vào nền kinh tế. Điều này nguy cơ tạo áp lực lạm phát tăng cao, làm cho USD suy yếu và đương nhiên sẽ đẩy giá vàng tăng cao trong dài hạn.
Và nguy hiểm hơn, khi USD suy yếu, sẽ làm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Mỹ trên thị trường quốc tế, trong khi đó các quốc gia khác cũng tìm cách phá giá đồng tiền nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu thông qua việc tiếp tục giảm lãi suất cơ bản, chương trình QE và nhiều công cụ chính sách tiền tệ khác… Điều này có nguy cơ kích hoạt cuộc chiến tranh tiền tệ toàn cầu và đương nhiên điều này cũng hỗ trợ tích cực cho giá vàng…
Giá vàng tuần tới sẽ ra sao?
Nhu cầu đầu tư vàng vẫn đang có xu hướng tăng mạnh trong bối cảnh dịch bệnh tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Theo Hội đồng vàng Thế giới (WGC), tổng số lượng vàng nắm giữ bởi các quỹ đầu tư trong quý 1 đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục 3.185 tấn- mức cao nhất kể từ quý 2/2013. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nhu cầu này có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh trong quý 2.
Tuy nhiên, nhu cầu vàng vật chất (vàng miếng, vàng trang sức…) lại có xu hướng sụt giảm mạnh. Theo WGC, nhu cầu vàng miếng, đồng tiền vàng chỉ đạt 150 tấn trong quý 1/2020, giảm gần 20% so với cùng kỳ; nhu cầu vàng trang sức cũng chỉ đạt 325 tấn, giảm tới gần 40% so với cùng kỳ, trong đó nhu vàng trang sức của Trung Quốc- quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, giảm tới 65%…
Giới chuyên gia dự báo, nhu cầu vàng vật chất có thể sẽ tiếp tục sụt giảm trong quý 2, bởi tháng 5 và 6 thường là thời kỳ thấp điểm giao dịch vàng vật chất. Điều này cộng với kinh tế nhiều quốc gia vẫn đang suy giảm mạnh vì dịch bệnh, càng khiến nhu cầu vàng vật chất giảm mạnh hơn. Do đó, giá vàng cũng khó tăng mạnh trong ngắn hạn.
Ông Everett Millman, Chuyên gia cao cấp của Tập đoàn vàng Gainesbville Coins, nhận định giá vàng thường chững lại vào tháng 5- 6 do yếu tố mùa vụ, trừ khi xảy ra các xung đột địa chính trị. Giai đoạn này của năm nay lại diễn ra đúng vào thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nên nhu cầu vàng vật chất càng giảm hơn nữa. “Dù giá vàng chưa thể tăng mạnh trong ngắn hạn, nhưng vẫn có triển vọng tăng mạnh trong trung và dài hạn, vì áp lực lạm phát tăng mạnh”, ông Millman nhận định.
Trong tuần tới, Mỹ công bố số liệu việc làm phi nông nghiệp (NFP), tỷ lệ thất nghiệp, thu nhập bình quân hàng giờ…trong tháng 4. Trong đó, NFP dự báo giảm kỷ lục 21.000.000 việc làm; tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh từ 4,4% vọt lên 16%.
Dự báo nói trên xem ra cũng có cơ sở bởi hàng loạt doanh nghiệp Mỹ đã phải thu hẹp hoạt động, thậm chí đóng cửa ngừng hoạt động trong tháng 4 do dịch bệnh. Điều này khiến số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng lên tới 30 triệu người trong 6 tuần qua. Do đó, NFP có thể sẽ còn giảm mạnh hơn, và tỷ lệ thất ngiệp tăng cao hơn so với dự báo. Điều này chắc chắn sẽ đẩy giá vàng bật tăng. Tuy nhiên, giá vàng khó tăng mạnh vì nhu cầu vàng vật chất đang ở mức thấp như đã phân tích ở trên.
Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh đầu tuần và tăng trở lại vào cuối tuần. Theo đó, nếu không vượt qua 1.708USD/oz (MA50), thì giá vàng sẽ quay trở lại xuống dưới mức 1.700USD/oz, với mức hỗ trợ đầu tiên tại 1.670USD/oz, kế tiếp là mức quan trọng 1.637USD/oz. Ngược lại, giá vàng sẽ tiếp tục thách thức với vùng 1.721- 1.747USD/oz.
Theo kết quả khảo sát của Kitco về xu hướng giá vàng trong tuần từ 4-8/5, trong số 1.750 độc giả tham gia khảo sát trực tuyến của Kitco, có 943 người (54%) nhận định giá vàng sẽ tăng; 505 người (29%) nhận định giá vàng sẽ giảm; 302 người (17%) cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.