Nhà Trắng ngày 22/11 thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề cử ông Jerome Powell làm Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhiệm kỳ 2. Lael Brainard, thành viên Hội đồng dự trữ liên bang, sẽ trở thành Phó Chủ tịch của thể chế này.
Joe Manimbo, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc Western Union Business Solutions ở Washington, cho biết: “Với việc ông Powell sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch Fed nhiệm kỳ thứ hai cho thấy một triển vọng chính sách tiền tệ ít ôn hòa hơn so với việc Fed sẽ dưới sự lãnh đạo của bà Brainard”.
Theo ông Manimbo: “Có vẻ như tốc độ tăng lãi suất của Mỹ dưới thời ông Powell sẽ mạnh mẽ hơn, và điều đó nói chung tích cực cho đồng USD.”
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày 22/11 theo giờ Việt Nam tăng 0,27% so với đóng cửa phiên liền trước, lên 96,29, cao nhất kể từ tháng 7 năm 2020. Trái lại, đồng euro giảm 0,46% xuống 1,1248 USD, là mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2020.
Đồng tiền chung châu Âu trước đó đã bị giảm do lo ngại số ca nhiễm COVID-19 gia tăng ở Châu Âu, với động thái mới nhất là Áo phong tỏa toàn quốc, và Đức đang xem xét có thể hành động tương tự.
“Hai ‘cú đấm’ liên tiếp giáng vào đồng euro. Số ca nhiễm COVID gia tăng trong toàn khối buộc Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) phải duy trì chính sách tiền tệ ôn hòa. Điều đó hoàn toàn trái ngược với Fed, nơi đang chịu áp lực phải nâng lãi suất (vì lạm phát cao và kinh tế tăng trưởng tích cực)”.
Nước Áo bắt đầu phong tỏa toàn quốc kể từ ngày 22/11, kéo dài 20 ngày, là đợt phong tỏa lần thứ 4 nhưng là lần phong tỏa nghiêm ngặt nhất. Quốc gia 8,9 triệu dân này sẽ trở thành nước đầu tiên ở Tây Âu áp lệnh phong tỏa toàn quốc trong mùa thu năm nay để đối phó làn sóng dịch COVID-19 mới. Các chợ Giáng sinh phải ngừng hoạt động, các quán bar, quán cà phê và nhà hát đều phải đóng cửa.
Bộ trưởng Y tế Đức, Jens Spahn cho biết, làn sóng COVID lần thứ tư cũng đang khiến Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, rơi vào tình trạng khẩn cấp quốc gia, đồng thời cảnh báo rằng chỉ riêng việc tiêm phòng sẽ không làm giảm số ca mắc.
Chris Turner, người phụ trách mảng chiến lược toàn cầu của ING, cho biết: “Những rủi ro liên quan đến đại dịch đã khiến nhà đầu tư lại quay lưng với các thị trường ngoại hối châu Âu và có thể khiến đồng Euro dễ bị tổn thương trong tuần này”.
Ông Turner cho biết thêm, các đợt phong tỏa và áp lực đối với lĩnh vực dịch vụ ở Châu Âu khiến Ngân hàng trung ương Châu Âu có thêm nhiều lý do để tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ của mình.
So với bảng Anh, đồng euro có thời điểm chạm mức thấp nhất so với đồng tiền của Anh kể từ tháng 2 năm 2020, trong bối cảnh thị trường cân nhắc những bình luận thận trọng về lạm phát của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Andrew Bailey, được phát đi vào cuối tuần.
Các thị trường kỳ vọng BoE sẽ trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên tăng lãi suất kể từ khi bắt đầu đại dịch, trong nỗ lực giải quyết vấn đề lạm phát – đã đạt mức cao nhất trong 10 năm do hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình tăng vọt.
Fed sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 11 vào ngày thứ Tư (24/11) – tài liệu được cả thị trường tập trung ‘soi’ xem có bất kỳ dấu hiệu mới nào cho thấy các quan chức Fed đang trở nên lo ngại hơn về lạm phát cao hay không.
Hôm thứ Sáu (19/11), các quan chức Fed, Richard Clarida và Christopher Waller, cho rằng một tốc độ giảm kích thích nhanh hơn có thể phù hợp trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang phục hồi đang nhanh chóng và lạm phát nóng lên.
Trên thị trường châu Á, các tiền tệ trong khu vực hồi phục chút ít do nhân dân tệ mạnh lên. Tuy nhiên, tính chung trong ngày 22/11, tiền tệ ở các thị trường mới nổi của châu Á vẫn trượt giá do lo lắng ngày càng tăng về nhiễm COVID-19 gia tăng ở châu Âu và những bình luận ‘diều hâu’ từ một số lãnh đạo Fed gần đây, mặc dù đồng nhân dân tệ vững chắc hơn đã giúp thị trường tiền tệ khu vực ổn định lại chút ít.
Đồng baht của Thái Lan giảm 0,4% trong phiên này, trong khi peso của Philippines và Rupiah Indonesia lần lượt giảm 0,3% và 0,1%.
Nhân dân tệ của Trung Quốc vững giá nhờ dữ liệu cho thấy nhu cầu của các doanh nghiệp ở mức cao. Tuy nhiên, một số dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc ngày càng ‘khó chịu’ với sự phục hồi gần đây của đồng tiền này khiến một số nhà đầu tư hạ đặt cược về đà tăng của nhân dân tệ.
Ông Alvin Tan, trưởng bộ phận Chiến lược ngoại hối châu Á của RBC Capital Markets cho biết: “Khả năng phục hồi của đồng nhân dân tệ thực sự đã giúp các tiền tệ châu Á không giảm sâu dù đối mặt với đợt tăng giá mới của USD.”