Bi kịch của giới trẻ sau đại dịch: Việc làm có thể mất bất cứ lúc nào, nợ nần chồng chất và không biết bao giờ mới mua được nhà

Bi kịch của giới trẻ sau đại dịch: Việc làm có thể mất bất cứ lúc nào, nợ nần chồng chất và không biết bao giờ mới mua được nhà

Akin Ogundele đã làm mọi thứ đúng đắn. Sinh ra và lớn lên ở London, là con trai của những người nhập cư, anh đã chăm chỉ làm việc, đi học đại học, tìm được 1 việc làm tốt trong lĩnh vực tài chính, kết hôn và có 2 con. Nhưng giờ đây, ở tuổi 34, anh cảm thấy thực sự bế tắc.

Gia đình nhỏ của anh hiện vẫn sống trong 1 căn hộ đi thuê bởi vì lương của 2 vợ chồng không thể đủ trang trải tiền mua nhà. Sau nhiều thập kỷ giá nhà liên tục tăng, trung bình số tiền đi vay để mua được ngôi nhà đầu tiên ở London đã tăng lên trên 100.000 bảng. Nhiều đồng nghiệp của Ogundele đã mua được nhà nhờ sự trợ giúp của bố mẹ họ, nhưng anh không có điều kiện như vậy và khoản tiền tiết kiệm của gia đình chẳng thể đuổi kịp đà tăng chóng mặt của giá nhà.

Ogundele biết rằng cuộc sống đi thuê nhà rất bấp bênh và sức khỏe của gia đình cũng bị ảnh hưởng vì sống quá gần đường lớn. Tuy nhiên lo ngại lớn nhất của anh là mình sẽ cho con cái được bao nhiêu tài sản để chúng không rơi vào hoàn cảnh tương tự. “Khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, người giàu thì cứ giàu thêm còn những người như chúng tôi thì ngày càng nghèo đi”.

Đó là tâm trạng chung của nhiều người trẻ thuộc thế hệ của Ogundele, và không chỉ ở London mà là trên khắp thế giới. Đó là kết quả từ khảo sát của Financial Times thực hiện trên 1.700 người trẻ dưới 35 tuổi về cuộc sống hiện tại và những kỳ vọng của họ sau đại dịch. Khảo sát được thực hiện tại các quốc gia Nam Phi, Campuchia, Na Uy, Australia, Đan Mạch, Mỹ, Ba Lan, Lebanon, Brazil, Malaysia, Ấn Độ và Trung Quốc.