Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2022 – Phục hồi kinh tế sau khủng hoảng Covid-19” do Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM tổ chức mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Fulbright Việt Nam nhận định, Việt Nam chắc chắn sẽ chịu tác động của diễn biến kinh tế toàn cầu trong năm 2022. Nhìn về kinh tế toàn cầu, có thể thấy rằng, thế giới sẽ tiếp tục có những tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam.
Nếu sự đứt gãy chuỗi cung ứng và nền kinh tế khan hiếm toàn cầu vẫn tiếp diễn trong năm nay, đặc biệt là khi dịch vẫn diễn biến phức tạp và bối cảnh là người tiêu dùng ở các nước giàu không có cơ hội chi cho dịch vụ, thì tiền tiết kiệm của họ sẽ dồn chi cho hàng hóa. Theo đó, nhu cầu với hàng xuất khẩu Việt Nam vẫn rất tốt. Nếu chúng ta đảm bảo thích ứng an toàn, không giãn cách diện rộng, duy trì sản xuất, thì đây vẫn là động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, nền kinh tế toàn cầu cũng tồn tại những thách thức, vì định hướng chính sách của các nền kinh tế lớn đã rõ. Dịch có diễn biến thế nào thì hướng chính sách cũng sẽ đổi chiều từ nới lỏng sang trung tính và cuối cùng là thu hẹp.
Về tài khóa, dịch có phức tạp thì các chính phủ cũng chỉ tiếp tục các gói an sinh xã hội, chứ kích cầu sẽ không có các gói mới nữa, vì đã hết dư địa. Về tiền tệ, một số nền kinh tế mới nổi đã phải nâng lãi suất, đặc biệt là các nước yếu về cán cân thanh toán quốc tế, chịu áp lực tỷ giá.
Còn FED, trong thời kỳ dịch vừa rồi, tính đến tháng 10/2021, một tháng đã bơm ra 120 tỷ USD. Tổng tài sản FED mua vào là 4.500 tỷ USD, nâng tổng tài sản lên 9.000 tỷ USD. Tháng 11/2021, trước áp lực lạm phát, FED đã giảm số tiền bơm 15 tỷ USD, tháng 12/2021 tiếp tục giảm thêm 15 tỷ USD. Từ tháng 1/2022, số tiền được bơm đã giảm đi 30 tỷ USD, xuống chỉ còn 90 tỷ và đến cuối tháng 3 sẽ không còn bơm tiền nữa.
“Tín hiệu là kết thúc bơm tiền sẽ bắt đầu nâng lãi suất, chưa rõ là bao giờ nâng nhưng thị trường phán đoán là sau tháng 3 có thể nâng luôn 0,25 điểm %” – chuyên gia này nói. Nhiều ý kiến cho rằng, trong năm 2022 FED sẽ có tối thiểu 3 lần nâng lãi suất, sớm nhất vào tháng 3, và thậm chí có thể có lần nâng thứ 4.
Biên bản cuộc họp diễn ra vào ngày 14-15/12/2021 được công bố mới đây còn cho thấy FED thậm chí đưa ra thông điệp có dự định bán ra trái phiếu để giảm cung tiền và giảm quy mô bảng cân đối nếu như giữa năm nay lạm phát Hoa Kỳ không có khả năng suy giảm.
Ông Nguyễn Xuân Thành đánh giá, đây là điều chưa có tiền lệ. Trong khủng hoảng toàn cầu trước đây, sau khi bơm tiền ra, FED chỉ ngưng bơm tiền và tăng lãi suất. Lần này, với áp lực lạm phát, FED đã đưa ra ý kiến này.
Như vậy, nếu nhìn vào tác động, ông Thành cho rằng khả năng cao FED sẽ chưa hút tiền về, chỉ ngưng bơm tiền và tăng lãi suất. Trong tình huống này, thị trường tài chính vẫn sẽ chịu đựng được, và sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán vừa rồi đã tính đến điều này.
Tác động đến Việt Nam, ông Thành đánh giá, kịch bản này sẽ không ảnh hưởng đến tỷ giá cũng như lãi suất, không phải điều chỉnh tăng. Ảnh hưởng thứ hai là đến dòng vốn đầu tư chứng khoán nước ngoài vào các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam. Theo ông Thành, cũng không nên kỳ vọng có thể mở cửa đón được dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh, kể cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp với lộ trình tăng lãi suất.
“Việt Nam sẽ tốt hơn rất nhiều thị trường mới nổi, là không bị dòng vốn đảo chiều. Bao giờ FED tăng lãi suất cũng có hiện tượng dòng vốn đảo chiều, Việt Nam có thể không bị, nhưng cũng không nên kỳ vọng dòng vốn sẽ về” – ông Thành nói.
Còn trong kịch bản thứ hai, kịch bản mà chuyên gia đến từ Fulbright đánh giá là rất xấu, thì nếu như lạm phát cao, áp lực đến mức FED vừa tăng lãi suất, vừa hút tiền về để giảm quy mô bảng cân đối tài sản, thì thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ chao đảo, và ảnh hưởng đến cả Việt Nam.
“Việt Nam vĩ mô có tốt đến đâu, có hỗ trợ kinh tế tốt đến đâu, mà kịch bản này xảy ra thì chứng khoán cũng bị ảnh hưởng” – ông Thành kết luận.