Đặt vấn đề tại buổi chia sẻ “Làm gì để giải cứu doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19”, đại diện một ngân hàng thương mại cho biết, hiện nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra nhiều cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng của COVID-19. Tuy nhiên, thời hạn cơ cấu lại nợ quá ngắn, nếu không được kéo dài sẽ phát sinh nợ xấu. Việc cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất thời gian gần đây khiến các ngân hàng giảm lợi nhuận, thậm chí lỗ. Doanh nghiệp khó khăn 1 thì ngân hàng phải khó khăn 10 vì ngân hàng cho vay hàng trăm ngàn doanh nghiệp. Theo đó, vị này đề xuất cần có một gói hỗ trợ từ Chính phủ để bù lãi suất hỗ trợ từ ngân hàng cho doanh nghiệp.
“Chính phủ có gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay trả lương người lao động với lãi suất 0% nhưng chưa doanh nghiệp nào có thể tiếp cận. Một người bạn của tôi là chủ doanh nghiệp muốn tiếp cận gói tín dụng nêu trên nhưng điều kiện lại là trả lương cho nhân viên đã nghỉ việc, doanh nghiệp phải có vốn đối ứng, có đủ tài sản đảm bảo. Như vậy thì quá khó”, vị này nói.
Vị đại diện ngân hàng thương mại cũng bày tỏ lo ngại Việt Nam có thể phải đối diện với một cuộc “khủng hoảng kép” khi thanh khoản hệ thống trở nên căng thẳng, mọi kênh cung cấp vốn cho nền kinh tế đều gặp khó khăn. Thanh khoản của thị trường bất động sản cũng gặp khó khăn. “Nếu doanh nghiệp bất động sản chết sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng giống như năm 2011, lãi suất tăng cao, nợ xấu bùng nổ và doanh nghiệp chết hàng loạt”.
Trước cách đặt vấn đề nêu trên, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thừa nhận ngân hàng cũng là doanh nghiệp, nếu có hỗ trợ doanh nghiệp thì cũng chỉ có thể ở một mức nào đó, trong sức chịu đựng của ngân hàng.