Năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khiến cả thế giới ngạc nhiên với bài phát biểu tại Davos năm 2017 khi lên tiếng bảo vệ thương mại tự do và hành động chung về biến đổi khí hậu, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump có quan điểm hoàn toàn ngược lại. Điều này chứng minh cho nỗ lực đầy tham vọng của ông Tập trong việc định vị Trung Quốc là trung tâm tiếp theo của thế giới, nhưng dường như đó cũng là một tín hiệu khôn ngoan cho thấy Bắc Kinh đang tuân thủ trật tự dựa theo luật lệ quốc tế.
Ngày hôm nay, bầu không khí ấm áp trong căn phòng tại Davos đã biến mất.
Đại dịch corona đã làm thay đổi thế giới, và cả mối quan hệ giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Từ chuyện các nước đồng lòng phản ứng mạnh mẽ đối với việc Trung Quốc áp dụng Luật An ninh Quốc gia gây tranh cãi ở Hồng Kông cho đến Five Eyes, một liên minh về công nghệ gián điệp giữa Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand.
Vương quốc Anh đã xác nhận sẽ mở một con đường nhập cư cho cư dân Hồng Kông với quyền có hộ chiếu ở nước ngoài của Anh, có hiệu lực với khoảng 3 triệu người Hồng Kông.
Úc đã gia hạn thị thực cho người Hồng Kông ở nước này, đồng thời mở đường cho quyền công dân, trong khi Canada đang tìm cách để “thúc đẩy” cư dân Hồng Kông di cư khỏi thành phố. Úc đã đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông, cũng như Canada, trong khi Mỹ, Anh và New Zealand đều đang xem xét các hiệp ước của họ.
Người đứng đầu bộ ngoại giao của Liên minh châu Âu, Josep Borrell, cũng cảnh báo hôm thứ Hai rằng mặc dù chưa có điều gì cụ thể được quyết định song các quốc gia trên đang họp bàn và tập hợp ý kiến. Điều này đã khiến các quan chức ở Bắc Kinh khó chịu và cam kết sẽ có những biện pháp đáp trả. Họ đã cảnh báo các sinh viên Trung Quốc không được đi du lịch Úc vì các cuộc tấn công phân biệt đối xử với người châu Á, trong khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói với Anh “hãy rút lui” và “nhìn nhận thực tế rằng Hồng Kông đã quay trở lại Trung Quốc”
Tất nhiên, các nước đồng minh rất có thể đã thảo luận về các chiến lược của Trung Quốc trong nhiều năm, nhưng hành động phối hợp một cách công khai như vậy là rất hiếm hoi.
Đầu tháng này, một liên minh mới của các nhà lập pháp đã được thành lập từ 16 quốc gia và Liên minh châu Âu, được gọi là Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC). Liên minh này tổ chức các hoạt động liên quan đến Trung Quốc để các thành viên của mình lan truyền tại chính đất nước họ. Các thành viên của Liên minh bao gồm các thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio và Bob Menendez, cũng như các nhà lập pháp từ Anh, Úc, Canada, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Cộng hòa Séc và Uganda và một số các quốc gia khác.
Vào hôm thứ ba, Vương quốc Anh đã cấm gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia vào mạng 5G của quốc gia này. Mỹ, Úc và Nhật Bản đã ngăn cấm một cách hiệu quả hoặc lên kế hoạch loại bỏ các sản phẩm của Huawei ra khỏi cơ sở hạ tầng không dây tốc độ cao của họ, lo ngại rằng việc cho phép công ty này vào lưới của họ có thể khiến chính phủ Trung Quốc dễ dàng tiếp cận các dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Các quyết định này có thể không nhất thiết phải đưa ra cùng một lúc, nhưng các quốc gia này đang theo dõi chặt chẽ các quyết định của nhau và thậm chí “bắt chước” nhau trong một số trường hợp.
Huawei đã nỗ lực hết sức để chứng minh rằng mình không phải là một “cánh tay” của chính phủ Trung Quốc, và tuyên bố họ sẽ không bao giờ giao dữ liệu cá nhân cho chính quyền Trung Quốc, nhưng một số chuyên gia cho rằng Huawei có thể bị bắt buộc về mặt pháp lý trong một số trường hợp nhất định.
Ấn Độ cũng viện dẫn những lo ngại về an ninh khi gần đây đất nước này đã cấm nền tảng video truyền thông xã hội TikTok và hàng chục ứng dụng thuộc sở hữu khác của Trung Quốc, mặc dù quyết định này được xem như một hành động trả đũa sau các cuộc đụng độ chết người giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại một biên giới hồi tháng trước. Mỹ đang cân nhắc lệnh cấm TikTok vì lý do an ninh.
Trung Quốc và trật tự thế giới
Sự trỗi dậy phi thường của Trung Quốc đã trao cho Bắc Kinh vai trò lãnh đạo trong một số tổ chức nền móng trong trật tự thế giới hiện nay. Sự mở rộng kinh tế nhanh chóng của đất nước gắn bó chặt chẽ với toàn cầu hóa, do đó, việc tiếp cận Tổ chức Thương mại Thế giới và tham gia G20 là thiết yếu đối với Bắc Kinh. Việc ký kết hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cũng đã làm tăng thêm vị thế toàn cầu của Trung Quốc, đặc biệt là khi Mỹ đã rút ra khỏi hiệp định này.
Nhưng một số quyết định quan trọng năm nay đã cho thấy những hạn chế trong cam kết của Trung Quốc đối với các chuẩn mực toàn cầu. Bắc Kinh đã đưa ra các chính sách đối ngoại quyết đoán hơn bao giờ hết trong những tháng gần đây, khi thế giới vẫn tập trung kiểm soát đại dịch.
Cuộc đụng độ gần đây giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại dãy Hy Mã Lạp Sơn là 1 ví dụ. Các tàu hải quân Trung Quốc cũng đã gây chiến với các tàu từ các quốc gia châu Á khác ở vùng biển phía nam và phía đông, trong khi cáo buộc các cuộc tấn công mạng do Bắc Kinh hậu thuẫn vào Mỹ và Úc càng làm xấu đi quan hệ giữa các bên. Bắc Kinh, như thường lệ, phủ nhận việc nhà nước đứng sau các cuộc tấn công mạng như vậy.
Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu đến nỗi bất cứ khi nào những lời chỉ trích hướng vào nước này, gần như nó sẽ luôn luôn đi đôi với lời thừa nhận tầm quan trọng của Trung Quốc.
Giám đốc FBI Christopher Wray, người đổ lỗi cho Trung Quốc trong các cuộc tấn công mạng gần đây, cho biết nước này là “mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với thông tin và sở hữu trí tuệ và sức sống kinh tế của Mỹ.”
Nhưng đồng thời, ông cũng đã làm rõ quan hệ với Trung Quốc là vô cùng quan trọng.
“Đối mặt với mối đe dọa này một cách hiệu quả không đồng nghĩa với việc chúng ta ngừng giao thương với người Trung Quốc, không đồng nghĩa với việc chúng ta ngừng tiếp đón du khách Trung Quốc, và cũng không đồng nghĩa rằng chúng ta từ chối chào đón sinh viên Trung Quốc. Mà điều đó có nghĩa là khi Trung Quốc vi phạm luật hình sự và các quy tắc quốc tế của chúng tôi, chúng tôi sẽ không dung thứ cho họ”, ông cho biết.
Úc thay đổi lập trường đối với Trung Quốc
Đó là một sự cân bằng mà thế giới vẫn đang cố gắng tuân theo. Trung Quốc rất hòa nhập trong nền kinh tế toàn cầu, họ có ưu thế đáng ghen tị trong các tranh chấp, cho dù đó là về thương mại hay ý thức hệ. Điều này trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết tại thời điểm này. Đại dịch corona nhấn mạnh rằng thế giới phụ thuộc sâu sắc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc trên mọi phương diện, từ những chiếc xe chúng ta lái, viên thuốc chúng ta uống và cả những chiếc điện thoại chúng ta sử dụng hàng ngày. Nó cũng dẫn đến sự phụ thuộc của từng quốc gia vào Trung Quốc trong việc tiêu thụ hàng xuất khẩu. Sự gián đoạn đã buộc nhiều quốc gia phải xem xét việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và thị trường xuất khẩu.
Úc là một tấm gương cho vấn đề này.Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc. Trong năm 2018-19, thương mại hai chiều Úc – Trung trị giá 235 tỷ USD, gấp hơn 2,5 lần so với Nhật Bản, đối tác lớn thứ hai của Úc. Trung Quốc đã chi 153,2 tỷ USD để mua hàng hóa xuất khẩu của Úc, chiếm tỷ lệ khoảng 32,5%. Nhưng Úc dẫn đầu các cuộc điều tra về nguồn gốc của virus corona, Bắc Kinh đã áp một mức thuế lên đến 80,5% đối với mặt hàng lúa mạch nhập khẩu từ quốc gia này.
Điều này vô cùng tồi tệ đối với Úc: Trung Quốc thường nhập khẩu khoảng nửa số lúa mạch của Úc. Bắc Kinh cũng đã áp dụng thuế quan đối với mặt hàng thịt bò Úc, và đại sứ của Trung Quốc tại Úc, ông Cheng Jingye, đề nghị người dân Trung Quốc nên tẩy chay rượu vang, du lịch và các trường đại học Úc, trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Australian Financial Review.
Lời kêu gọi của Thủ tướng Úc Scott Morrison về việc thăm dò về nguồn gốc của virus là một chương trình lãnh đạo hiếm hoi về các vấn đề toàn cầu từ đất nước ông. Điều này cũng đáng ngạc nhiên, bởi vì sự gần gũi về địa lý giữa Úc với Trung Quốc khiến cho mối đe dọa về một cuộc xung đột quân sự là rất thực tế. Và chính ông Morrison gần đây đã tuyên bố phải tăng chi tiêu quốc phòng.
“Chúng tôi muốn một Ấn Độ-Thái Bình Dương cởi mở, có chủ quyền, không bị ép buộc và bá quyền. Chúng tôi muốn một khu vực mà tất cả các nước, cả lớn và nhỏ, có thể tự do gắn kết với nhau và được hướng dẫn bởi các quy tắc và chuẩn mực quốc tế”, ông nói.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố rằng nước này đã công khai và minh bạch trong việc đối phó với sự bùng phát đại dịch.
Không phải tất cả các quốc gia đều có những hành động quyết liệt như Úc. EU có thể đang phối hợp trả lời Luật An ninh Quốc gia, song hành động của họ thì tương đối chậm chạp.
Đối với Trung Quốc, bà Angela Merkel dường như không thể tìm được từ ngữ đúng – bà đã từng được một số lãnh đạo doanh nghiệp khen ngợi vì cách tiếp cận thực tế với đất nước này và khuyến khích mối quan hệ thương mại đang phát triển. Nhưng chính bà cũng đã nhận những chỉ trích ở Đức vì quá mềm mỏng đối với Trung Quốc và quá gần gũi với Bắc Kinh.
Trong khi ủng hộ cam kết của EU về phản ứng thống nhất vào đầu tuần, bà cũng nói rằng “không có lý do gì để không tiếp tục đối thoại với Trung Quốc”, Reuters đưa tin.
Tình thế khó xử của bà là điều dễ hiểu. Gạt các lập trường về thương mại sang một bên, còn có những lập luận mạnh mẽ khác chống lại việc cô lập Trung Quốc. Thế giới cần sự hợp tác của Trung Quốc về môi trường – bởi đây là nguồn phát thải carbon lớn nhất thế giới, và họ sẵn sàng tham gia vào nỗ lực toàn cầu để chống biến đổi khí hậu. Chỉ có Trung Quốc mới có thể cung cấp câu trả lời cho một số câu hỏi về nguồn gốc của virus corona , câu trả lời mà các chuyên gia y tế cho rằng có thể giúp ngăn chặn đại dịch khác.
Và nếu Trung Quốc phát triển vắc-xin corona đầu tiên, phần còn lại của thế giới chắc chắn sẽ muốn tiếp cận với nó.
Gạt Trung Quốc sang một bên đơn giản không phải là một lựa chọn thực tế. Nhưng phần lớn thế giới, bằng cách đứng cùng nhau, đang cho thấy họ quyết tâm định hình lại quan hệ với Bắc Kinh.