Ngành bán lẻ nhìn từ những động thái quyết liệt của Thế giới Di động hậu Covid-19: Bữa tiệc lớn nhưng không phải ai cũng có chỗ!

Ngành bán lẻ nhìn từ những động thái quyết liệt của Thế giới Di động hậu Covid-19: Bữa tiệc lớn nhưng không phải ai cũng có chỗ!

Chúng ta vừa khép lại năm 2021 – năm được ví là khó khăn không tưởng bởi ảnh hưởng của đại dịch. Hệ luỵ hiện hữu, tuy nhiên ở diễn biến ngược lại Covid-19 cũng mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, mà cụ thể là sự chuyển dịch thói quen sống của người dân. Dĩ nhiên, không phải ai cũng có thể nắm bắt!

Bán lẻ – Bữa tiệc lớn

Hưởng lợi từ xu hướng tiêu dùng mới, thị trường bán lẻ châu Á được ví như miếng bánh béo bở với quy mô ước tính lên đến 10.000 tỷ USD, bao gồm cả Việt Nam. Theo một nghiên cứu gần đây của Viện Toàn cầu McKinsey (MGI), Việt Nam có vị thế rất tốt để trở thành một động lực đáng kể dẫn dắt câu chuyện tiêu dùng của châu Á bước sang một chương mới. Trong thập kỷ tiếp theo đây, tầng lớp tiêu dùng của Việt Nam có thể được bổ sung thêm 36 triệu người, theo định nghĩa là những người tiêu dùng tối thiểu 11 USD/ngày tính theo ngang giá sức mua (PPP).

Chưa kể, đô thị hóa cũng là một yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng thu nhập. Dân số đô thị của Việt Nam dự kiến tăng vọt thêm 10 triệu người trong một thập kỷ tới khi tỷ trọng dân sô đô thị tăng từ 37% năm 2020 lên 44% năm 2030.

Cũng cần nhấn mạnh, trong cơ cấu dân số trẻ hoá đó, “công dân thế hệ số” nổi lên là khái niệm để chỉ những người sinh trong giai đoạn 1980-2012, gồm Thế hệ Z và Thế hệ Y. Dự kiến đối tượng này sẽ chiếm khoảng 40% tổng tiêu thụ của Việt Nam ở năm 2030. Thành viên của thế hệ sành công nghệ số này sống trên mạng và trên điện thoại di động. Điều này đang làm thay đổi các kênh và phương pháp trao đổi thông tin hàng ngày của người Việt, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), nơi các doanh nghiệp tầm cỡ khu vực như Shopee, Lazada và các doanh nghiệp trong nước như Tiki đang hoạt động tích cực.

Nhìn chung, sự nổi lên nhanh chóng của đối tượng người tiêu dùng số đã tiếp nhiên liệu cho những đổi mới trong hành vi bán lẻ và mua sắm. Ví dụ, mạng xã hội Zalo là một trong những ứng dụng được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam, với 52 triệu người dùng tích cực mỗi tháng. Hay ước tính 55% Thế hệ Z Việt Nam hiện đang sử dụng TikTok, điều này khiến cạnh tranh trở nên quyết liệt hơn.