Chia sẻ tại Talk show mới đây, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế đã chỉ ra 5 kênh đầu tư chính của NĐT, sắp xếp thứ tự giảm dần về mức độ rủi ro, thì BĐS là kênh đứng thứ 3.
Khởi nghiệp được xem là lĩnh vực sẽ có mức độ rủi ro cao không phải là ai cũng thành công. Tỷ lệ thành công khởi nghiệp khá là thấp, xoay quanh ở tầm 10-25% theo quan sát của ông Lực.
Thứ hai, chứng khoán sẽ có mức độ rủi ro thấp hơn nhưng vẫn ở mức độ cao.Trong chứng khoán, cổ phiếu rủi ro hơn trái phiếu.
Thứ ba, lĩnh vực rủi ro tiếp theo là bất động sản.
Thứ tư, an toàn nhất vẫn là gửi tiền tiết kiệm.
Một kênh đầu tư nằm riêng do chưa có khuôn khổ pháp lý là tiền kỹ thuật số. Kênh đầu tư này cũng ẩn chứa nhiều rủi ro cao nên nhà đầu tư cần hết sức thận trọng.
Vị chuyên gia này dành lời khuyên, đối với nhà đầu tư ứng xử như thế nào với từng kênh là phụ thuộc vào khẩu vị của mỗi người. Tuy nhiên, bỏ tiền vào kênh nào để hạn chế rủi ro thì nhà đầu tư cần lưu ý các yếu tố.
Đầu tiên, các nhà đầu tư cần nắm rõ khẩu vị rủi ro của mình và hiểu nguồn lực tài chính của mình đến đâu trong trung hạn và dài hạn.
Trong bất kỳ nền kinh tế nào cũng có 3 nhóm nhà đầu tư, ứng xử thế nào tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư. Nhóm thứ nhất là nhà đầu tư thích rủi ro, sẵn sàng chấp nhận rủi ro đầu tư kể cả những lúc kinh tế khó khăn. Nhóm này hình dung có thể trong tương lai thì sẽ đạt được những mức độ sinh lời tích cực và sẵn sàng đầu tư vào cả những lĩnh vực, phân khúc rủi ro, thậm chí cả tiền kỹ thuật số.
Nhóm nhà đầu tư thứ hai là những nhà đầu tư trung tính 50 – 50, vừa quan ngại rủi ro vừa không quan ngại về rủi ro lắm. Nhóm nhà đầu tư này sẽ bắt đầu phân tán danh mục đầu tư của mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau chứ không nên “bỏ trứng vào một giỏ”.
Cuối cùng, là những nhà đầu tư e ngại rủi ro thì kênh gửi tiết kiệm ngân hàng là phù hợp.