Theo thông tin mới công bố từ Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2021, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 677,3 triệu USD, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 270,8 triệu USD, chiếm gần 40% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt gần 152,1 triệu USD, chiếm 22,5%; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 98,4 triệu USD, chiếm 14,5%.
Trong 11 tháng, đã có 52 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 244,5 triệu USD, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, có 19 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 432,8 triệu USD, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.
Như vậy, so thống kê tháng liền trước, Việt Nam đã có thêm 4 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với số vốn tăng thêm hơn 26,2 triệu USD.
Theo thống kê, hiện có 22 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam. Trong đó: Hoa Kỳ là nước dẫn đầu với 305,3 triệu USD, chiếm 45,1% tổng vốn đầu tư; Campuchia với 89,4 triệu USD, chiếm 13,2%; Israel với 71,6 triệu USD, chiếm 10,6%; Canada 57,6 triệu USD, chiếm 8,5%; Lào 47,8 triệu USD, chiếm 7,1%; Pháp, Đức, Hà Lan cùng đạt 32 triệu USD, chiếm 4,7%.
Trong kỳ, vốn đầu tư điều chỉnh tăng mạnh do có dự án của Vingroup tại Hoa Kỳ điều chỉnh tăng 300 triệu USD; dự án Công ty TNHH Đầu tư và phát triển cao su Đông Dương tại Campuchia tăng 76 triệu USD và 01 dự án của Vinfast tại Đức tăng 32 triệu USD.
Thống kê cho thấy, vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đã bùng nổ từ cuối quý 1/2021 và tiếp tục được đẩy mạnh các tháng tiếp theo. Trong sự đột biến này, dòng vốn đầu tư Vingroup ra nước ngoài chiếm một tỷ lệ rất quan trọng.
Bên cạnh dự án tại Hoa Kỳ tăng thêm 300 triệu USD, Vingroup còn có 3 dự án đầu tư sang Pháp, Hà Lan, Canada với vốn đầu tư mỗi dự án là 32 triệu USD và 01 dự án 20,5 triệu USD tại Singapore với mục tiêu kinh doanh xuất nhập khẩu thiết bị viễn thông, điện tử, đồ gia dụng, ô tô.