Chỉ số Dollar index – so sánh USD với các đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ – kết thúc phiên thứ Sáu (14/1) tăng 0,3% lên 95,157. Mặc dù vậy, tính chung cả tuần, Dollar index vẫn giảm 0,6%, là tuần giảm nhiều nhất kể từ đầu tháng 9.
Trong phiên này, USD biến động rất mạnh, giảm sâu lúc đầu phiên nhưng bật tăng mạnh về cuối phiên. Đáng chú ý, mặc dù Dollar index tăng, song so với yen Nhật, USD kết thúc phiên giảm 0,02% xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 3 tuần, là 114,15 JPY/USD.
Doanh số bán lẻ của Mỹ tháng 12 giảm nhiều nhất trong vòng 10 tháng, có thể là kết quả của việc người Mỹ năm nay bắt đầu đi mua sắm cho kỳ nghỉ sớm hơn mọi năm, từ khoảng tháng 10, để tránh hiện tượng các kệ hàng trống tại các cửa hàng.
Đồng bạc xanh, đã tăng hơn 6% so với rổ tiền tệ vào năm 2021, tuần này đã chịu áp lực giảm giá kéo dài gần suốt tuần mặc dù Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Fed Jerome Powell, vừa thông báo rằng nền kinh tế Mỹ đã sẵn sàng cho việc bắt đầu áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và dữ liệu cho thấy mức tăng lạm phát hàng năm ở Mỹ cao nhất trong gần bốn thập kỷ.
Các nhà chiến lược ngoại hối của Scotiabank cho biết: “Các nhà đầu tư dường như đang có quan điểm rằng USD đã đạt đỉnh, các động thái thắt chặt chính sách của Fed là đương nhiên, và đã đến lúc đa dạng hóa đầu tư sang các tiền tệ tương tự, như euro, sẽ có tiềm năng mang lại lợi nhuận tốt hơn”.
Cũng theo các chiến lược gia ngoại hối của Scotiabank: “Chúng tôi không đồng tình nhưng phải thừa nhận rằng USD đã phải chịu một bước lùi – ít nhất là về mặt tâm lý – bằng cách từ bỏ sự hỗ trợ từ các khoảng cách chênh lệch về lợi suất so với các đối thủ và bằng cách phá vỡ ngưỡng tâm lý phía dưới của khoảng dao động giá USD trong thời gian gần đây”.
Kenneth Broux, chiến lược gia tiền tệ của Societe Generale ở London, cho biết: “Nền kinh tế Mỹ đang bùng nổ ở tất cả các lĩnh vực, nhưng đường cong lợi suất vẫn đi ngang và đồng USD gần đây giảm phát đi một thông điệp khác”, rằng “Sự điều chỉnh của đồng đô la xuống mức thấp nhất trong tháng 11 cho chúng ta biết rằng các nhà đầu tư thấy giá trị thực sự ở những nơi khác có thể còn lớn hơn cả ở Mỹ khi Fed thắt chặt tiền tệ sớm hơn và quyết liệt hơn so với những nơi khác, đe dọa làm suy yếu nền kinh tế và giảm giá tài sản.”
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm – được điều chỉnh theo lạm phát – tăng 40 điểm phần trăm so với đầu năm nay, có nguy cơ làm suy yếu đà tăng của thị trường chứng khoán và ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế.
Các nhà phân tích cho biết tỷ lệ USD trong các quỹ phòng hộ đã tăng lên sát mức cao nhất kể từ đầu năm 2020 cũng làm tăng thêm áp lực bán đồng USD ra trong tuần này. Với tỷ lệ USD trong các quỹ đầu cơ đang ở mức cao nhất kể từ đầu năm 2020 và định giá lãi suất của Mỹ sẽ tăng lên cao nhất là gần 2%, thấp hơn nhiều so với mức cao của các chu kỳ lãi suất trước đây mà Fed áp dụng, các nhà đầu tư đã cảnh giác không bổ sung thêm USD vào vị thế mua nữa.
Các chiến lược gia của HSBC cho biết các nhà đầu tư tài chính ngày càng lo ngại về tác động của các động thái mà Fed dự định sẽ thực hiện đối với tăng trưởng kinh tế, từ việc thu hẹp bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương đến khả năng tăng lãi suất.
“Nói cách khác, thị trường không chắc chắn liệu đây là điều tốt hay xấu đối với USD”, các chiến lược gia của HSBC cho biết.
Đồng tiền của Nhật Bản, một ‘nơi trú ẩn an toàn’, đã được hưởng lợi từ tâm lý lảng tránh tài sản rủi ro gần đây trên các thị trường tài chính toàn cầu.
Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đang thảo luận về việc họ có thể bắt đầu thông báo về việc tăng lãi suất vào thời điểm nào, có thể là trước khi lạm phát chạm mục tiêu 2% của ngân hàng.
Với việc thị trường chứng khoán toàn cầu đỏ sàn trong ngày 14/1 và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, đồng đô la Australia – đại diện của các tiền tệ rủi ro – giảm mạnh 0,99% xuống mức thấp nhất trong vòng 2 ngày.
Đồng bảng Anh cũng giảm 0,22% so với USD trong bối cảnh các nhà đầu tư tạm dừng giao dịch bảng Anh để đánh giá tác động của khả năng nước Anh sẽ có sự thay đổi lãnh đạo, giữa bối cảnh Thủ tướng Boris Johnson đối mặt với cuộc khủng hoảng nặng nề nhất trong nhiệm kỳ thủ tướng của mình sau khi tiết lộ về một loạt các cuộc tụ tập ở Phố Downing trong thời gian phong tỏa chống COVID-19 hồi năm ngoái.
Tại Châu Á, nhân dân tệ của Trung Quốc ổn định trong phiên cuối tuần, nhưng tính chung cả tuần tăng mạnh nhất trong vòng 2 tháng do dữ liệu xuất khẩu mạnh mẽ và nhu cầu mua mạnh trước kỳ nghỉ lễ sắp tới.
Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ nội địa – CNY – kết thúc tuần ở mức 6,3597 CNY, tăng 5 pip so với phiên trước đó, tính chung cả tuần giá tăng 0,27%.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc tiếp tục mở rộng trong tháng 12, với xuất khẩu cao hơn một chút so với dự kiến, được thúc đẩy bởi nhu cầu toàn cầu vững chắc.
Về triển vọng của nhân dân tệ, các nhà phân tích tại HSBC cho biết: “Vẫn còn những áp lực giảm đối với cặp USD/CNY trong thời gian tới”, đồng thời cho biết thêm rằng sự phân hóa chính sách tiền tệ giữa Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác cuối cùng có thể kéo đồng nhân dân tệ đi xuống. “Tuy nhiên, thặng dư thương mại lớn của Trung Quốc có thể khiến đồng CNY mất một thời gian mới giảm, và tỷ giá hối đoái trong quý 1 thường cao hơn mức trung bình hàng năm”, ngân hàng HSBC cho biết thêm.
Thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt giảm trong phiên cuối tuần do lợi suất trái phiếu Mỹ tăng và các nhà đầu tư thận trọng rằng Fed nâng lãi suất có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên 1,7859%, phục hồi về mức cao nhất trong hai năm là 1,8080% đạt được vào đầu tuần này. Lợi tức kho bạc kỳ hạn hai năm cũng đạt 0,9730%, cao nhất kể từ cuối vào tháng 2 năm 2020.
Cảnh báo từ ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, JPMorgan Chase & Co, rằng khả năng sinh lời của việc Fed tăng lãi suất có thể giảm xuống dưới mục tiêu trung hạn đã tạo ra một sự thất vọng cho các nhà đầu tư trên Phố Wall.
Kết thúc phiên giao dịch thứ Sáu, chỉ số chứng khoán tổng thể MSCI toàn cầu giảm 0,36%, trong đó chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 1,01% và có tuần tồi tệ nhất kể từ ngày 26 tháng 11, một phần do sự sụt giảm của cổ phiếu công nghệ.
Tại Mỹ, một loạt các cuộc săn lùng giá hời vào cuối ngày đã giúp cổ phiếu thu hẹp mức mức giảm. Kết thúc phiên này, chỉ số Công nghiệp Dow Jones giảm 0,56%, S&P 500 đi ngang so với phiên trước, riêng Nasdaq Composite tăng 0,59%.
Nicholas Colas, đồng sáng lập DataTrek, cho biết: “Chúng ta đang bước vào thời kỳ mà Cục Dự trữ Liên bang sẽ làm một thử nghiệm chưa từng thấy: tăng lãi suất lên 0 và giảm quy mô bảng cân đối kế toán trong cùng một năm”. “Thị trường vẫn đang cố gắng đoán định kết quả của quyết định đó sẽ như thế nào”, ông Colas nói.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin hồi phục mạnh sau khi giảm sâu vào đầu tuần. Phiên cuối tuần, Bitcoin đã tăng khoảng 1% lên 43.086,34 đô la. Đầu tuần (10/1), Bitcoin đã lao dốc xuống chỉ 39.558,70 USD, mức thấp nhất trong vòng 5 tháng.
Đáng chú ý, đồng tiền số có biểu tượng chú chó, Dogecoin, phiên vừa qua tăng vọt sau khi tỷ phú Elon Musk đăng tweet chấp thuận dùng đồng tiền này để thanh toán các hàng hóa của Tesla. Dogecoin đã tăng vọt hơn 20% sau thông tin này, kết thúc ngày 14/1 vẫn tăng 18% so với phiên liền trước, đạt gần 0,2 USD.
Tuy nhiên, Elon Musk cho biết Tesla có một số điều kiện đi kèm khi thanh toán bằng loại tiền này. Cụ thể, người dùng cần có ví tiền số Dogecoin để chuyển tiền sang ví của Tesla. Nếu khách hàng thanh toán thừa, họ sẽ không được nhận lại tiền thừa. Tesla cũng cảnh báo rằng có thể mất tới 6 giờ để mạng Dogecoin có thể xác nhận thanh toán.
Các dòng tweet của ông Musk về tiền điện tử, bao gồm thứ mà ông gọi nó là “tiền điện tử của mọi người”, đã thúc đẩy meme coin đẩy giá tăng vọt khoảng 4.000% vào năm 2021.