Thanh toán không tiếp xúc
Từ nhiều tháng nay, Linh, nhân viên văn phòng ở TP.HCM gần như không bao giờ có quá vài trăm ngàn đồng trong ví. Nhiều bữa đi làm, cô gái 25 tuổi còn quên cả ví với mấy cái thẻ ngân hàng trong đó nhưng vẫn “sống” tốt.
Ứng dụng ngân hàng số mà cô cài trên điện thoại đã lo tất cả, từ thanh toán tiền ăn trưa, tiền đổ xăng xe, mua vé xem phim, trả tiền mua hàng online đến chuyển tiền vào số điện thoại của mẹ cô đang ở quê. Cả tiền thuê nhà mỗi tháng, cô cũng chuyển cho chủ nhà qua ứng dụng ngân hàng. Và điều thích nhất là ứng dụng ngân hàng này miễn phí dịch vụ cho tất cả các giao dịch của cô, chưa kể là miễn phí thường niên của năm đầu tiên sử dụng.
Thanh toán không tiếp xúc, như nhiều báo cáo của các cơ quan, tổ chức có liên quan, đã tăng mạnh trong thời gian qua và Việt Nam đi trước nhiều nền kinh tế phát triển chính ở mảng thanh toán di động.
Số liệu từ khảo sát mới nhất của Visa công bố cuối năm ngoái cho thấy, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng trong việc sử dụng ví điện tử và các ứng dụng thanh toán trong những năm gần đây, với hơn 85% người tiêu dùng Việt Nam sở hữu ít nhất một ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán và hơn 42% người tiêu dùng sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng thiết bị di động. Đó là nhờ tỷ lệ người sử dụng điện thoại di động có kết nối internet rất cao. Bên cạnh đó, 79% người tiêu dùng thích thanh toán bằng thẻ và ứng dụng di động thay vì tiền mặt.
Khảo sát cũng cho thấy, các công nghệ thanh toán mới đang thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. 82% cho biết quan tâm đến phương thức thanh toán bằng sinh trắc học, chẳng hạn như sử dụng dấu vân tay hoặc xác thực bằng giọng nói để hoàn thành giao dịch. Tương tự, có 81% người dùng quan tâm đến thanh toán thông qua ngân hàng số.
Thống kê của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động trong thời gian qua liên tục tăng và xu hướng càng rõ rệt. Và tính đến cuối tháng 10 năm 2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019). Trong khi đó, số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng (tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019).
Cuộc đua phục vụ người dùng của các ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước đánh giá, năm 2020 chứng kiến nhiều tổ chức tín dụng chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu, dữ liệu lớn, tự động hóa quy trình bằng robot, trí tuệ nhân tạo/ học máy, Blockchain, eKYC (mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử không cần gặp mặt trực tiếp)… trong các hoạt động nghiệp vụ và cung ứng sản phẩm, dịch vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng trải nghiệm khách hàng. Nhờ vậy, giá trị giao dịch ngân hàng qua kênh số của nhiều ngân hàng có sự tăng trưởng vượt bậc.