Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đang mạnh đồng nghĩa với việc nước này sẽ không vội kiềm chế đà tăng giá của đồng Nhân dân tệ, cho dù đồng tiền này đang có mức tỷ giá cao nhất gần 2 năm rưỡi – hãng tin Bloomberg nhận định.
Trong tháng 11 này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) chưa hề dùng đến các công cụ nhằm hạn chế tốc độ tăng tỷ giá đồng nội tệ. Trong khi đó, Nhân dân tệ đang hướng tới hoàn tất tháng tăng giá mạnh nhất trong vòng 6 năm.
Ngày 18/11, tỷ giá Nhân dân tệ so với USD tại thị trường Trung Quốc đại lục dao động quanh ngưỡng 6,554 tệ đổi 1 USD, mức cao nhất của Nhân dân tệ kể từ cuối tháng 6/2018. Tại thị trường Hồng Kông, tỷ giá dao động quanh mức 6,551 tệ đổi 1 USD.
Đây là một sự dịch chuyển so với tháng trước, thời điểm mà nhà chức trách ở Bắc Kinh giảm kiểm soát việc giới đầu cơ bán khống Nhân dân tệ và nới lỏng một số biện pháp kiểm soát tỷ giá – những động thái được thị trường nhìn nhận là nhằm hạn chế bớt đà tăng của Nhân dân tệ.
Có đánh giá cho rằng Trung Quốc hiện giờ không còn phải vội ngăn đà tăng giá đồng tiền nữa là bởi sự lên giá của Nhân dân tệ dường như không gây ảnh hưởng gì lớn đến các công ty xuất khẩu của Trung Quốc.
Nhu cầu trên toàn cầu đang tăng mạnh đối các sản phẩm từ quần áo cho tới thiết bị y tế, trong đó đa phần được sản xuất tại Trug Quốc. Theo dữ liệu từ Sàn giao dịch vận tải biển Thượng Hải (SSE), một thước đo giá hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất 6 năm trong tháng 11 này. Trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh nhất kể từ đầu 2019 và vượt dự báo.
Sự vững vàng của khu vực xuất khẩu đồng nghĩa Trung Quốc không cần phải định hướng cho đồng Nhân dân tệ giảm giá, cho dù đồng tiền này đã tăng 9% từ cuối tháng 5 đến nay.
Đồng nội tệ tăng giá lại có tác dụng giúp nhập khẩu rẻ hơn và thúc đẩy tiêu dùng trong nước – một mục tiêu của Bắc Kinh trong chiến lược phát triển nền kinh tế tự chủ, tự cường. Ngoài ra, Nhân dân tệ lên giá cũng thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài rót tiền vào cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc – điều có ý nghĩa rất quan trọng đối với nỗ lực của Bắc Kinh nhằm quốc tế hóa Nhân dân tệ.
“PBoC hiện đang cho phép tỷ giá Nhân dân tệ diễn biến theo tình hình cung-cầu thị trường, bởi các lực lượng cung-cầu hiện nay phù hợp với các yếu tố nền tảng đang mạnh của kinh tế Trung Quốc”, chiến lược gia cấp cao Dariusz Kowalczyk thuộc Credit Agricole phát biểu. Ông dự báo Nhân dân tệ sẽ tăng giá cao hơn trong năm 2021 nhờ kinh tế Trung Quốc giữ đà hồi phục sau đại dịch Covid-19 và đồng USD yếu đi.
Các công ty xuất khẩu của Trung Quốc đang “sống khỏe” nhờ nhận được thêm nhiều đơn hàng mua thiết bị bảo hộ và hàng điện tử phục vụ cho làm việc tại nhà. Những đơn hàng mới đối với các mặt hàng này chủ yếu đến từ các quốc gia nơi bệnh dịch đang leo thang mạnh, một báo cáo của Nomura Holdings nhận định. Theo báo cáo này, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc có thể duy trì ở ngưỡng cao thêm vài tháng nữa, bởi hiện chưa có dấu hiện nào cho thấy Covid-19 sớm “hạ nhiệt” tại nhiều quốc gia.
Ngoài xuất khẩu tăng trưởng mạnh, tỷ giá Nhân dân tệ còn được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc, và dòng vốn chảy vào trái phiếu nước này. Ngoài ra, việc ứng cử viên Dân chủ Joe Biden được dự báo đắc cử Tổng thống Mỹ cũng làm gia tăng hy vọng về một mối quan hệ Mỹ-Trung ổn định, dễ đoán biết hơn, theo đó hỗ trợ thêm cho tỷ giá Nhân dân tệ.
“Các số liệu kinh tế tốt lên giúp PBoC có thêm dư địa để cho phép Nhân dân tệ tăng giá”, chiến lược gia Jian Hui Tan thuộc Informa Globalmarkets Pte phát biểu.