Sáng 15/4, Tập đoàn Hoa Sen công bố ước kết quả kinh doanh hợp nhất tháng 3/2021 với mức doanh thu thuần ước đạt 4.522 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 501 tỉ đồng. Đây là lợi nhuận tháng lớn nhất từ trước tới nay của Hoa Sen, đưa lợi nhuận quý 1/2021 lên cao gấp 4 lần cùng kỳ năm trước, bất chấp các biến động kinh tế do dịch Covid. Đúng như lời khẳng định tại một kỳ đại hội cổ đông của Chủ tịch Lê Phước Vũ, rằng Hoa Sen sẽ tiếp tục lãi dù “không còn lệ thuộc vào Lê Phước Vũ”.
Cách đây 2 năm, ông Vũ chia sẻ mình đã lên núi ở ẩn và điều hành tập đoàn từ xa, mỗi tháng chỉ ghé tập đoàn 2 lần, mỗi lần chỉ khoảng 2 tiếng. Ông đồng thời khẳng định, mình sẽ xuất gia sau năm 2026 – năm kỷ niệm 25 năm ngày thành lập tập đoàn và sẽ là sự “ra đi trong trách nhiệm”.
Cũng tại đại hội cổ đông năm 2019, ông giải thích đơn giản về quyết định của mình: “Chủ tịch hai mấy năm nay đi công trình, đi đòi nợ… cũng phải cho chủ tịch nghỉ chứ, nếu không thì chết sao?! Mình sống thanh tịnh, cái trí mình sáng, cái lòng mình vui!”
“TÔI TỪNG ĐI ĐÒI NỢ, NHIỀU ĐÊM KHÔNG DÁM NGỦ Ở NHÀ”
Ông Lê Phước Vũ sinh năm 1963 trong một gia đình nghèo ở tỉnh Bình Định. Sau khi tốt nghiệp Trung cấp Giao thông vận tải tại Quy Nhơn, ông có thời gian lập nghiệp rất vất vả, thất bại nhiều lần, phiêu bạt qua nhiều nơi từ TP HCM cho đến Tây Ninh, Buôn Mê Thuột… Ông Vũ cùng vợ con đã từng phải ở trong một căn phòng thuê 9m2 với giá 50.000 đồng/tháng. Bắt đầu từ hai bàn tay trắng, ông bươn chải đủ nghề.
Tại một buổi giao lưu với sinh viên trường FPT, ông Vũ kể: “Tôi đã từng là anh lái xe, hay là phải đi cắt tôn, đòi nợ… Có nhiều hôm không dám ngủ ở nhà!”.
Bước ngoặt trong sự nghiệp đến với ông Vũ khi ông đang là quản đốc cho Công ty Gỗ Đức Thành (tiền thân của Công ty CP Gỗ Đức Thành hiện nay). Tại đây, ông tình cờ gặp lãnh đạo của một công ty thép nước ngoài. Quý mến tư chất thông minh và ý chí vươn lên mạnh mẽ của chàng trai Bình Định, người lãnh đạo nọ gợi mở cho Vũ con đường tự kinh doanh.
Tháng 4/1994, ông quyết định mở cửa hàng cắt tôn. Nhưng khi tìm được mặt bằng phù hợp thì vợ chồng ông không có đủ 5 triệu đồng tiền đặt cọc, mà chỉ có trong tay 2 chỉ vàng và 200 ngàn đồng (tương đương 1,2 triệu đồng). Với quyết tâm khởi sự, ông chạy vạy vay mượn thêm 50 triệu đồng với cam kết sẽ “cắt tôn trừ nợ dần”.
Ông Vũ từng kể, mình sẽ còn nhớ mãi cảm giác “mừng rơi nước mắt” khi lần đầu tiên cầm 650.000 đồng tiền lãi vào ngày 18/05/1994. Để có được những đồng lãi đó, ông đã phải lao động cật lực, tự mình bán hàng, thu tiền, cắt tôn, khiêng tôn vì không có tiền thuê thêm người phụ.
Đến năm 1997, trong bối cảnh tôn cắt sẵn gần như không còn đất sống, ông Vũ tính toán đầu tư xưởng cán tôn máy. Thời điểm đó, máy móc công nghiệp thường phải nhập từ Đài Loan, và chiếc máy ông nhắm đến có giá đến 120.000 USD – con số quá lớn so với một cửa hàng tôn cắt tôn nhỏ.
Theo thông tin từ Dân trí, ông Vũ đã tự chế máy cắt tôn bằng cách tìm tòi các bản vẽ thiết kế, cóp nhặt linh kiện Đài Loan và trong nước, thuê gia công lắp ráp, cải tiến và hiệu chỉnh dần. Được biết, chiếc máy tự chế còn gắn bó với nhiều bước đường phát triển mang tính nền tảng của Tập đoàn Hoa Sen sau này.
Với sự nhẫn nại, quyết tâm, không ngại khó khăn và có lẽ là cả duyên nợ với tôn, công việc làm ăn của ông ngày càng mở rộng và thuận lợi. Năm 2001, Công ty Cổ phần Tôn Hoa Sen ra đời với vốn điều lệ 30 tỷ đồng và 22 nhân viên, sản xuất các sản phẩm tấm lợp kim loại, tôn mạ màu, tôn mạ kẽm, tấm lợp kinh loại, gỗ thiếp, nhựa… và các loại vật liệu xây dựng khác.
“MẠNH DÙNG LỰC, YẾU DÙNG THẾ”