Hai trường hợp công ty buộc phải tăng lương
Trường hợp 1: Người lao động ký hợp đồng lao động sau khi hết thử việc (người lao động nhận lương thử việc thấp hơn lương chính thức)
Theo Điều 26 Luật Lao động năm 2019, tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận, nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó. Nếu trước đó mức lương thử việc thấp hơn lương chính thức, thì sau khi thử việc đạt yêu cầu, người lao động phải được trả lương với mức cao hơn.
Trường hợp 2: Lương tối thiểu vùng tăng (đối với người nhận lương tối thiểu)
Theo Điều 90 Bộ Luật Lao động năm 2019, tiền lương theo công việc hoặc chức danh trả cho người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu. Nếu làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, người lao động phải được trả lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
Mức lương tối thiểu vùng này do Chính phủ công bố, dựa trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia. Mức lương này thường sẽ được tăng dần theo từng năm. Nếu mức lương tối thiểu vùng tăng, những người lao động đang nhận lương tối thiểu cũng sẽ được tăng lương.
Công ty hứa tăng lương nhưng lại không tăng có thể bị phạt ra sao?
Trong trường hợp đã có thỏa thuận cụ thể về việc tăng lương thì cả người lao động và người sử dụng lao động đều có trách nhiệm phải thực hiện. Người lao động thỏa mãn các điều kiện tăng lương như thỏa thuận hoặc theo quy định của công ty đề ra thì công ty phải tăng lương cho người đó.
Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định mức phạt về hành vi không trả đủ lương cho người lao động theo thỏa thuận căn cứ theo số lượng người lao động bị công ty vi phạm như sau:
Vi phạm từ 1 – 10 người lao động: Phạt từ 05 – 10 triệu đồng
Vi phạm từ 11 – 50 người lao động: Phạt từ 10 – 20 triệu đồng:
Vi phạm từ 51 – 100 người lao động: Phạt từ 20 – 30 triệu đồng:
Vi phạm từ 101 – 300 người lao động: Phạt từ 30 – 40 triệu đồng:
Vi phạm từ 301 người lao động trở lên: Phạt từ 40 – 50 triệu đồng: