Theo thông tin người viết nhận được từ một lãnh đạo uy tín trong giới tài chính, một công ty FDI quy mô lớn trong mảng nông nghiệp đang có kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Trên sàn chứng khoán, hai doanh nghiệp có mô hình kinh doanh khá tương đồng với FDI này là Dabaco và Masan MEATLife có vốn hoá lần lượt 8.182 tỷ đồng và 22.889 tỷ đồng.
Năm 2020, lợi nhuận sau thuế của công ty nói trên đạt gần 1 tỷ USD, thuộc hàng ngũ tỷ đô chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Công ty FDI thống trị mảng chăn nuôi Việt Nam, cụ thể với thịt heo và thịt gà. Về cơ cấu, hơn 70% doanh thu của công ty này đến từ mảng chăn nuôi và thực phẩm, phần còn lại chủ yếu từ thức ăn chăn nuôi (tỷ trọng đóng góp theo thứ tự là thức ăn thuỷ sản, thức ăn cho heo và thức ăn gia cầm).
Trong một diễn biến khác, công ty mẹ của FDI có kế hoạch tư nhân hoá và huỷ niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hong Kong (HKEX) từ cuối năm ngoái.
Tính đến thời điểm hiện tại, mới có 11 doanh nghiệp FDI chuyển đổi từ công ty TNHH sang công ty cổ phần và niêm yết. Tuy nhiên, hiện chỉ còn 8 công ty FDI đang giao dịch trên sàn chứng khoán, 3 công ty đã huỷ niêm yết do hoạt động kinh doanh thua lỗ (2 trong số đó đang đăng ký giao dịch trên UPCoM). So sánh trên thị trường, vốn hoá doanh nghiệp FDI chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 0,3%).
Với quy mô của mình, công ty nói trên có thể sẽ nâng tỷ trọng đóng góp của các FDI trên thị trường chứng khoán Việt Nam lên đáng kể. Đó là còn chưa kể sự kiện này có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho các công ty FDI khác muốn niêm yết trên sàn chứng khoán, một số đã mắc kẹt nhiều năm.
Được biết, một FDI lớn khác là Aeon Việt Nam cũng có kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán trong tương lai.
Trên thực tế, các doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, nhưng không xuất hiện nhiều trên sàn chứng khoán.