Ông đánh giá thế nào về điều hành chính sách lãi suất của NHNN từ đầu năm đến nay?
Có thể nói, từ đầu năm đến nay, NHNN đã điều hành chính sách lãi suất linh hoạt, phù hợp bám sát diễn biến trong nước cũng như thế giới. Trong xu thế chung nhiều nước thực hiện cắt giảm lãi suất, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của Covid-19, lạm phát có xu hướng giảm, thanh khoản các ngân hàng khá dồi dào, trong khi tín dụng đang tăng trưởng thấp, NHNN đã lần lượt thực hiện 3 lần giảm lãi suất điều hành với quy mô, mức độ tương đối mạnh so với những năm trước. Động thái này vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cả ngân hàng lẫn DN có được mặt bằng lãi suất thấp hơn, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Không chỉ về thời điểm, liều lượng trong mỗi lần điều chỉnh lãi suất điều hành cũng hợp lý, vừa đủ hỗ trợ nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo không phá vỡ sự ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp. Với 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành từ phía NHNN và sự chủ động giảm lãi suất của các ngân hàng đã đưa mặt bằng lãi suất cả cho vay và huy động về mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua.
Có ý kiến cho rằng, vẫn còn dư địa giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Trong một môi trường kinh doanh hoàn hảo, giảm lãi suất là động thái tích cực để hỗ trợ các DN, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng; nhưng trong bối cảnh hiện nay, thì điều đó là chưa đủ. Bởi hiện lãi suất gần như đã chạm đáy mà tăng trưởng tín dụng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, nên đây không phải yếu tố quan trọng nhất.
Thời gian tới, khi xem xét có nên tiếp tục giảm lãi suất nữa hay không, cần phải quan tâm tới một số thông số rất quan trọng sau. Một là, đà phục hồi của kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam như thế nào. Theo nhiều dự báo là mức độ phục hồi kinh tế năm tới chưa đủ mạnh và còn nhiều rủi ro bất định. Hai là, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô cần phải đảm bảo. Hiện tại, lạm phát cũng đâu đó ở mức 4%. Ba là, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn đang ở mức rất thấp rồi. Chưa kể hiện tại, NIM của hệ thống ngân hàng đang ngày càng mỏng đi sau những đợt giảm lãi suất. Từ các yếu tố trên, theo quan điểm của tôi, gần như không còn dư địa để giảm lãi suất. Vấn đề quan trọng hiện tại đó là tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng. Nhưng vấn đề này không dễ giải quyết được.
Có một thực tế khá mâu thuẫn, các ngân hàng dù muốn cho vay nhưng vẫn phải giữ chuẩn tín dụng không thì nợ xấu dềnh lên, ảnh hưởng đến lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Trong khi ở phía DN, nhu cầu vay vốn tăng lên theo đà phục hồi của nền kinh tế, nhưng để đáp ứng đầy đủ các điều kiện của ngân hàng thời này như dự án tốt, điểm tín dụng cao, không nợ xấu… không phải DN nào cũng làm được.
Vậy, phải có giải pháp nào để tháo gỡ nút thắt này?
Tôi cho rằng, lúc này cần phải tăng cường vai trò bảo lãnh của các Quỹ bảo lãnh tín dụng mới hóa giải được mâu thuẫn đó. Ngoài bổ sung vốn, việc tạo ra cơ chế mở cho Quỹ bảo lãnh tín dụng có ý nghĩa rất quan trọng. Khi cơ chế thông thoáng, họ mới mạnh dạn thực hiện vai trò của họ. Nếu vẫn yêu cầu, ràng buộc trách nhiệm nhiều thì việc triển khai bảo lãnh tại các quỹ cũng sẽ tiếp tục hạn chế.
Ngoài nâng cao vai trò của Quỹ bảo lãnh tín dụng, thì cả ngân hàng và DN cũng cần có nỗ lực hơn nữa để tìm được điểm cân bằng cung – cầu tín dụng. Vì khi quá trình phục hồi vai trò của chính sách tiền tệ rất quan trọng. Đơn cử, ngân hàng rà soát quy trình thủ tục, tiết giảm chi phí hoạt động trong điều kiện cho phép có thể giảm thêm lãi suất được thì càng tốt, giảm giá các dịch vụ… Còn về phía DN, thông tin tài chính phải minh bạch hơn nữa, xây dựng phương án vay vốn khả thi hướng đến lĩnh vực được ưu tiên…
Theo ông, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ thế nào?
Nhờ nỗ lực của ngân hàng, cùng với đà phục hồi kinh tế, tăng trưởng tín dụng cũng đã được cải thiện hơn. Tuy nhiên, do tác động của dịch Covid tới nhiều ngành lĩnh vực, sức hấp thụ vốn của DN còn yếu nên tín dụng sẽ không thể tăng mạnh như những năm trước vào giai đoạn cuối năm. Tôi cho rằng, có thể tín dụng tăng quanh mức 9%.
Xin cảm ơn ông!