Mua căn nhà phố tại thị trường vùng ven vào cuối năm 2019, chị Bùi Thanh Ng (sống và làm việc tại Tp.HCM) “khổ sở” vì rao bán mãi không ra được hàng. Chị Ng cho biết, thời điểm chị mua, giá đất khu vực đó đang bắt đầu lên. Thực ra, đó là dự án bán khá tốt. Lúc chị nhận nhà vào năm 2020, hàng của chủ đầu tư còn vài căn thôi.
Thế nhưng, lý do chị không bán được là bị cạnh tranh bởi chủ đầu tư. Chủ đầu tư có những hỗ trợ tốt cho thanh toán ở các đợt bán hàng tiếp theo; trong khi đợt mua đầu khách hàng không được hỗ trợ nên đa số sẽ vay ngân hàng để mua. Mà ngân hàng không hỗ trợ nhiều nên tính ra giá vốn – gốc sẽ tăng so với già của chủ đầu tư.
“Trong khi đó, người đi mua sẽ thích mua hàng của chủ đầu tư hơn vì được hỗ trợ thanh toán, mặc dù giá có thể cao hơn nhưng lại không cần chôn tiền nhiều…”, chị Ng cho biết.
Đó là lý do chị không ra được hàng, thậm chí rao “năm lần bảy lượt” không bán được, chị chấp nhận giảm lợi nhuận để ra hàng nhưng cũng mãi không ai mua.
Hỏi vì sao không giảm giá để bán nhanh?, chị Ng cho biết, chị không thể giảm bằng giá mua ban đầu được, vì còn phải trải lãi vay ngân hàng.
“Chị muốn bán lắm mà không có giao dịch, tính ra chị gửi sales đã gần 3 năm nay rồi nhưng không thấy ai hỏi hay báo có khách quan tâm. Kể có khách hỏi thì chị cũng thương lượng để thu dòng tiền nhưng ngặt nỗi đến nay vẫn bặt vô âm tín…”, chị Ng giãi bày.
Không chỉ có căn nhà phố này, chị Ng còn đang “mắc cạn” một căn chung cư tại Tp.HCM, với tình trạng tương tự là rao bán mãi vẫn chưa có người mua. Nhà đầu này cho biết, có vẻ đợt dịch này người mua đắn đo nhiều hơn, cũng có người hỏi xem căn hộ nhưng lại suy nghĩ. Hơn nữa, đối tượng khách tầm trung thì sẽ là những người không nhiều tiền sẵn, nên mua dịch này họ sẽ phải trữ tiền nên không sẵn sàng xuống tiền, thành ra muốn ra được hàng lúc này cũng gặp khó khăn.