Quy tắc đầu tư Warren Buffett: Không mua cổ phiếu chỉ vì dự đoán biến động giá có lợi trong ngắn hạn

Quy tắc đầu tư Warren Buffett: Không mua cổ phiếu chỉ vì dự đoán biến động giá có lợi trong ngắn hạn

Những lá thư Warren Buffett gửi cho cổ đông của Berkshire Hathaway hằng năm trở thành một tài liệu đáng giá đối với giới đầu tư. Trong bức thư gửi cổ đông năm 1977, vị tỷ phú đã đề cập lại cách chọn lựa cổ phiếu để đầu tư.

Không mua cổ phiếu chỉ vì dự đoán biến động giá có lợi trong ngắn hạn

Theo Buffett, để lựa chọn ra doanh nghiệp phù hợp để mua cổ phiếu, ban đầu nhà đầu tư cần hiểu biết về chính doanh nghiệp và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp đó. Phải đảm bảo, doanh nghiệp lựa chọn có triển vọng về tăng trưởng lợi nhuận trong dài hạn; đội ngũ ban lãnh đạo có đầy đủ kiến thức, kỹ năng và đặc biệt là sự trung thực. Cuối cùng, Buffett nhắc tới việc giá cổ phiếu tại thời điểm quyết định “xuống tiền” cần là mức giá ở vùng hấp dẫn.

Bên cạnh đó, Buffett tiết lộ thêm về phương thức đầu tư của mình cũng như Tập đoàn là luôn ưu tiên yếu tố logic, tính hợp lý, kể cả khi chỉ nắm giữ một phần nhỏ của một công ty thay vì sở hữu toàn phần.

“Thông thường, chúng tôi không mua cổ phiếu chỉ vì dự đoán giá cổ phiếu đó có lợi trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đó duy trì với kỳ vọng tốt trong dài hạn, chúng tôi sẽ tiếp tục mua vào thêm cổ phiếu ở mức giá thấp hơn, mục tiêu là gia tăng cơ hội sở hữu các công ty có chất lượng”, Buffett chia sẻ.

Kinh nghiệm đầu tư đã cho thấy, đôi khi một phần của doanh nghiệp nổi trội cũng có thể được giao dịch với mức giá chiết khấu lớn hơn nhiều so với mức giá mua toàn bộ doanh nghiệp thông qua đàm phán. Tương tự với đó, việc nắm giữ một lượng cổ phiếu là cách gián tiếp để sở hữu một phần công ty đó mà không phải thông qua việc thâu tóm.

Khi giá cổ phiếu thích hợp, Buffett cho biết sẽ sẵn lòng mua vào thêm cổ phiếu và tăng sở hữu lên đáng kể tại một vài công ty chọn lọc. Ông nhấn mạnh, điều này không phải xuất phát từ ý định muốn kiểm soát, thâu tóm, mua bán các công ty đó, mà là với kỳ vọng về kết quả kinh doanh có lợi trong dài hạn của công ty đó; điều này sẽ đưa giá trị thị trường lên mức tương xứng. Kết quả cuối cùng mong muốn nhận về đó là phần cổ tức được trả cho nhà đầu tư, dù là nhóm thiểu số hay đa số.

Sử dụng chỉ số ROE thay vì chỉ nhìn vào EPS của doanh nghiệp

Bức thư viết năm 1977 còn nói tới phương pháp để đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động của công ty cũng như ban lãnh đạo. “Hầu hết các công ty đều cho rằng họ đã lập kỷ lục về lợi nhuận nếu năm đó công ty ghi nhận mức cao mới về chỉ số lợi nhuận trên một cổ phiếu (EPS)”, tuy vậy, Buffett phủ định điều này.

Vị tỷ phú cho rằng, thông thường các công ty sẽ luôn tăng thêm vốn chủ sở hữu qua các năm, do vậy thành tích của ban lãnh đạo sẽ là không đáng kể nếu vốn chủ sở hữu qua mỗi năm ghi nhận mức tăng 10% còn EPS tăng tương ứng chỉ 5%. Thực tế, đến cả các tài khoản tiết kiệm cũng sẽ cho mức sinh lời lãi suất tăng dần mỗi năm nhờ vào lãi kép.

Theo vị tỷ phú, ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt như công ty có chỉ số nợ trên vốn chủ sở hữu cao bất thường hoặc tài sản trọng yếu của công ty có giá trị cao bất thường về giá trị sổ sách, một thang đo hợp lí hơn về mặt kinh tế để đánh giá kết quả hoạt động của ban lãnh đạo là chỉ số ROE.

Tại tập đoàn Berkshire Hathaway của Buffett, việc sử dụng đòn bẩy vay nợ khá hạn chế, do vậy chỉ số ROE được xem là hợp lí để đánh giá hiệu quả hoạt động của Tập đoàn. Đặc biệt, cách tính ROE cần căn cứ trên vốn chủ sở hữu ghi nhận đầu năm (tương đương giả thuyết tập đoàn không phát hành thêm vốn chủ sở hữu).

Khi bàn về hoạt động bảo hiểm, Warren Buffett coi đây là lợi thế cạnh tranh nổi trội mang lại cho Tập đoàn Berkshire. Các nguồn phí bảo hiểm thu được có thể được sử dụng cho việc đầu tư sinh lời, trong khi các trách nhiệm phát sinh kèm bảo hiểm có thể phải mất nhiều năm về sau mới xảy ra, đồng thời cũng có thể kiểm soát được.

Trong khi tại thời điểm đó, hoạt động kinh doanh dệt may về bản chất là ngành không có lợi thế cạnh tranh ở Mỹ, dù ban lãnh đạo có khả năng hơn nữa. Các lý do Buffett đưa ra là (1) người lao động có độ tuổi trung bình cao, các kỹ năng khó/không thể chuyển giao nhanh chóng. Bên cạnh đó (2) người quản lý cần đầy nghị lực và trung thực; đồng thời (3) công việc dệt may khá vất vả.

Thông qua điều này, Buffett đã ghi trong thư để truyền đạt về tầm quan trọng của lĩnh vực hay ngành nghề hoạt động của một doanh nghiệp, ông cho biết “thuận gió” sẽ hơn là “nghịch gió”.