Lợi nhuận sụt nhưng tín dụng tăng trưởng
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ gần 335 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 600 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, các TCTD đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5 % so với trước dịch), với doanh số lũy kể từ 23/1/2020 đến nay đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 400 nghìn khách hàng
Mặc dù không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 01 về hỗ trợ khách hàng bởi dịch COVID-19 nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội cũng gia hạn nợ cho hơn 168 nghìn khách hàng với dư nợ 4.187 tỷ đồng, cho vay mới trên 2 triệu khách hàng với số tiền 73.919 tỷ đồng.
Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ và NHNN trong việc giảm lãi vay để “cứu” doanh nghiệp, hỗ trợ các hộ sản xuất kinh doanh, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Big 4) được coi là “đầu tàu” trong việc thực hiện các chính sách.
“VietinBank đã cắt giảm gần 5.000 tỷ đồng lợi nhuận từ việc giảm lãi suất cho vay, phí, thoái lãi để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. VietinBank chủ động điều hành tín dụng tập trung vào các ngành, lĩnh vực được Chính phủ, NHNN khuyến khích phát triển, đồng hành cùng các ngành, các địa phương để thúc đẩy kinh tế vùng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) VietinBank cho biết.
Đứng thứ hai về lợi nhuận nhưng lại ghi nhận mức tăng trưởng lớn nhất trong số “Big 4” ngân hàng là VietinBank. Kết thúc năm 2020, Vietinbank đạt lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 16.450 tỷ đồng (tăng 43,5%) so với năm trước do tín dụng và các hoạt động ngoài lãi đều tăng trưởng tốt.
Cụ thể: năm 2020, tín dụng hợp nhất của ngân hàng tăng 7,7% so với 2019. Huy động tăng 11% so với năm 2019, nguồn vốn tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tiếp tục được cải thiện tăng 15,5% so với năm 2019.
Thu nhập ngoài lãi năm 2020 của VietinBank tăng 35,2% so với năm 2019, tỷ trọng thu ngoài lãi trên tổng thu nhập hoạt động tăng trưởng tốt từ 16,5% năm 2019 lên gần 20,1% năm 2020, trong đó thu thuần dịch vụ tăng gần 12% so với năm 2019. Thu nhập từ kinh doanh ngoại tệ tăng 24% so với năm 2019, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh vốn tăng 70% so năm 2019. Chỉ số sinh lời lợi nhuận trên vốn (ROE) và lợi nhuận trên tổng tài (ROA) là 16,8% và 1,3%, tiếp tục cải thiện mạnh so với năm 2019.
Tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu cho vay và trái phiếu nội bảng ở mức khoảng 130%, cao hơn năm 2019. “Năm 2021, Vietinbank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng trưởng khoảng 3% – 6%; tín dụng tăng trưởng khoảng 8% – 11%; nguồn vốn huy động tăng trưởng 10% – 12%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế tăng 10% – 20%”, ông Lê Đức Thọ chia sẻ.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ngân hàng đã hỗ trợ 3.700 tỷ đồng cho các doanh nghiệp và người dân ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên năm 2020, lãi trước thuế của ngân hàng này ước tương đương năm 2019 với mức đạt 23.000 tỷ đồng. Đây cũng là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam có lợi nhuận đạt xấp xỉ 1 tỷ USD.
Vietcombank được đánh giá là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt nhất trong các ngân hàng lớn với mức tăng trưởng tín dụng tới 14%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống, chủ yếu tăng mạnh trong những tháng cuối năm do yếu tố mùa vụ. “2020 là năm kỷ lục giảm lãi suất của Vietcombank với 5 lần giảm lãi suất trong năm, số tiền giảm là 3.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, sức khỏe tài chính của Vietcombank đang ngày càng vững với tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,6%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao kỷ lục 380%”, ông Nghiêm Xuân Thành cho biết.
BIDV là ngân hàng duy nhất trong “Big 4” ghi nhận lợi nhuận sụt giảm với mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 9.017 tỷ đồng, giảm khoảng 16% so với năm 2019, lợi nhuận riêng lẻ đạt 8.515 tỷ đồng, giảm 17,3%. Lãnh đạo BIDV cho hay: Sở dĩ lợi nhuận sụt giảm là do ngân hàng chủ động giảm thu nhập hơn 6.400 tỷ đồng để cơ cấu nợ, hạ lãi suất và miễn giãm lãi, phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân theo chỉ đạo của NHNN. Năm 2021, BIDV đặt mục tiêu tổng tài sản cuối kỳ tăng trưởng khoảng 9%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 12%, huy động vốn tăng khoảng 12% – 14,8%, tỷ lệ nợ xấu đảm bảo dưới 1,6%.
Với 7 lần giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, 9 lần giảm phí dịch vụ, Agribank đã và đang triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5% – 2,5% so với trước khi có dịch bệnh COVID-19, bão lũ. Để bù đắp khoản lợi nhuận sụt giảm, chi phí quản lý của Agribank năm 2020 đã cắt giảm 10%, giúp lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 12.869 tỷ đồng, vượt 369 tỷ đồng (xấp xỉ 3%) so với kế hoạch đề ra. “Đến hết năm 2020, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 8,1% so với cuối năm 2019, hoàn thành kế hoạch được giao”, ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc Agribank cho biết.
Sẽ điều chỉnh tăng trưởng tín dụng khi cần thiết
Định hướng của ngành Ngân hàng năm 2021, Phó Thống đốc NHNN, ông Đào Minh Tú cho biết: Ngành ngân hàng đặt ra mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12%. Trong điều kiện, dịch COVID-19 được khống chế trên toàn cầu, nền kinh tế cần nhiều vốn hơn cho phục hồi và tăng trưởng, NHNN sẽ mở rộng tín dụng cao hơn. Ngoài ra, NHNN sẽ điều chỉnh tăng trưởng tín dụng, khi cần thiết phải kiểm soát tín dụng để đảm bảo tỷ lệ lạm phát hài hoà chung.
Theo đó, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ (đặc biệt là lãi suất, tỷ giá) chủ động, linh hoạt phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thông suốt.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay: Các tổ chức tín dụng tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa quy trình thủ tục, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng; tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng.