Một trong những sự kiện quan trọng diễn ra hồi tháng 6, tại Hội nghị thượng đỉnh G7, các nhà lãnh đạo cam kết không chỉ “đưa biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học vào quá trình quyết định kinh tế, tài chính”, mà còn nhấn mạnh sự cần thiết phải “xanh hóa hệ thống tài chính toàn cầu để các quyết định tài chính có tính đến vấn đề biến đổi khí hậu”.
Vào tháng 7, Uỷ ban châu Âu đã công bố một chiến lược đầy tham vọng nhằm giúp cải thiện dòng tiền tài trợ cho quá trình chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế bền vững.
Theo Bloomberg Green, xu hướng đầu tư bền vững nổi lên từ năm ngoái. Thị trường tài chính đang phát hành nhiều nợ bền vững hơn và các nhà đầu tư đổ nhiều tiền hơn vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) theo tiêu chí ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị).
Chỉ sau 6 tháng đầu năm, lượng trái phiếu phát hành liên quan đến ESG nhiều hơn cả năm 2020. Mặc dù vẫn chỉ chiếm một lượng nhỏ so với thị trường trái phiếu tổng thể, nhưng trái phiếu ESG đang nhanh chóng đạt được vị thế của mình. Các quỹ đầu tư nhà nước hiện nay phải phân bổ một tỷ lệ nhất định vào trái phiếu xanh.
Theo dự báo của Bloomberg Green, giá trị phát hành trái phiếu ESG toàn cầu trong năm nay dự kiến đạt mức 1.000 tỷ USD, cao gấp đôi so với năm 2020.