Khi Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua nghị quyết luận tội Tổng thống Trump, mọi sự chú ý đang đổ dồn về Thượng viện, nơi lãnh đạo phe đa số Mitch McConnell, một người Cộng hòa, đang nắm giữ những quyết định có thể ảnh hưởng tới đương kim Tổng thống.
Một ngày trước, ông McConnell đã gửi một bức thư tới các nghị sĩ khác của đảng Cộng hòa, nói rằng ông sẽ chặn việc luận tội Tổng thống Trump tại Thượng viện trước khi ông Joe Biden nhậm chức ngày 20/1, thời điểm quyền kiểm soát cơ quan quyền lực của nước Mỹ chuyển sang tay người Dân chủ.
Tuy nhiên, ông McConnell cũng nói rằng ông chưa có quyết định có nên bỏ phiếu để kết tội ông Trump hay không. Vị Tổng thống Mỹ bị cáo buộc kích động cuộc bạo loạn khiến 5 người thiệt mạng, bao gồm cả cảnh sát, khi đám đông ủng hộ ông xông vào Tòa nhà Quốc hội Mỹ. Điện Capitol bị hư hại và văn phòng của ông McConnell ở Thượng viện, nơi ông gắn bó suốt 36 năm qua, cũng không tránh khỏi kiếp nạn.
Việc Thượng viện không làm gì đồng nghĩa với việc ông Trump có thể kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của mình. Tuy nhiên, ông McConnell cũng để ngỏ khả năng hành động nếu ông Trump tiếp tục có những động thái làm phức tạp tình hình hay nguy hiểm khác. Điều này khiến người Dân chủ hy vọng rằng họ sẽ có đủ 2/3 lá phiếu ở Thượng viện nhằm luận tội ông Trump.
Trong khi có 10 hạ nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu luận tội ông Trump, những gì ông McConnell đang làm có thể gây ảnh hưởng lớn tới Thượng viện, nơi chưa có Thượng nghị sĩ Cộng hòa nào nói rằng họ ủng hộ luận tội Tổng thống.
Theo đó, cần 67 phiếu bầu để kết tội ông Trump và áp dụng hình phạt thực sự có ý nghĩa duy nhất với một tổng thống mãn nhiệm là ngăn không thể tranh cử trong tương lai. Với sự phân hóa 50-50, con số 67 là rất khó. Ngay cả khi không có ảnh hưởng của ông McConnell, cơ hội người Cộng hòa mạo hiểm kết tội một vị Tổng thống đang rất được cử tri Cộng hòa ưa chuộng, cũng rất mong manh.
Ngay sau khi Hạ viện bỏ phiếu, Chủ tịch Nancy Pelosi, một người Dân chủ và Lãnh đạo phe Thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer đều hướng tới một phiên luận tội. Họ muốn việc luận tội, chuyển giao chính quyền và chuyển đổi quyền lực ở Thượng viện diễn ra đồng thời.
Nhiều điều chưa chắc chắn nhưng có một điều rõ ràng: Thượng viện Mỹ sẽ không hoạt động trở lại cho tới ngày 19/1 và sẽ không có phiên luận tội nào được bắt đầu trước ngày 20/1, cùng ngày ông Biden sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Hiện tại, bà Pelosi chưa bao giờ nói công khai rằng bà sẽ gửi nghị quyết luận tội ông Trump lên Thượng viện. Nếu điều này xảy ra, nó sẽ kích hoạt một quy trình phức tạp. Một trong số đó là Thượng viện sẽ ngừng mọi hoạt động để 100 thượng nghị sĩ thảo luận. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng ông Biden sẽ trở thành Tổng thống một mình khi nội các của ông bị đình trệ phê duyệt vì Thượng viện đang bận.
Ông Biden dường như đang tìm kiếm một hiệp ước lưỡng đảng nhằm chia Thượng viện giữa các hoạt động chuẩn bị cho chính quyền mới với việc tiến hành luận tội ông Trump. Chưa dấu hiệu nào cho thấy một giải pháp sẽ sớm được tìm ra.
“Quốc gia này đang chìm trong hỗn loạn với một loại virus chết người và một nền kinh tế quay cuồng. Tôi hy vọng rằng lãnh đạo Thượng viện sẽ tìm ra cách để thực hiện trách nhiệm hiến định của mình về việc luận tội đồng thời giải quyết các công việc cấp bách khác của quốc gia này”, ông Biden thúc giục Thượng viện Mỹ luận tội ông Trump.
Phiên tòa luận tội trước của ông Trump kéo dài gần 3 tuần. Tuy nhiên, bằng chứng người Dân chủ đưa ra lần này chủ yếu là các video về tuyên bố của ông Trump và những hành động của đám đông. Điều đó gọi lên một quy trình luận tội ngắn hơn.
Sau cuộc đua 2 ghế Thượng nghị sĩ ở bang Georgia kết thúc với chiến thắng dành cho người Dân chủ, Thượng viện Mỹ đang duy trì tỷ lệ 50-50. Quyền quyết định sẽ do Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris định đoạt trên cương vị Chủ tịch Thượng viện.
Dẫu vậy, việc kiểm soát 50% Thượng viện cũng cho ông McConnell một tiếng nói lớn, đặc biệt là việc ngăn chặn cơ quan này luận tội Tổng thống Trump. Tuy nhiên, càng mất thời gian để luận tội ông Trump, người Dân chủ lại càng có ít thời gian để thực hiện các ưu tiên trong chương trình nghị sự của ông Biden.
Bản thân Tổng thống Trump dường như cũng không khoanh tay nhìn mình bị luận tội. Ông cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ của người Cộng hòa bằng những tuyên bố phản đối bạo lực và nhấn mạnh đám đông xông vào Điện Capitol không đại diện cho ông.
“Tôi mạnh mẽ lên án bạo lực mà chúng ta chứng kiến hồi tuần trước. Bây giờ, tôi yêu cầu những người từng tin tưởng vào chính sách của chúng tôi hãy tìm cách giảm bớt căng thẳng, bình tĩnh và thúc đẩy hòa bình trên đất nước chúng ta”, ông Trump nói.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một người ủng hộ lâu năm của ông Trump, đã lên tiếng bảo vệ vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ và nói rằng những gì ông làm giúp nước Mỹ tiến lên. Trong một loạt thông điệp tối 13/1, ông Graham đã kêu gọi ông Biden hành động để hàn gắn những rạn nứt của nước Mỹ và làm đảng của mình ngừng tìm cách luận tội Tổng thống.