Tại Hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi số lực đẩy từ đại dịch Covid – 19” được Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đồng hành tổ chức cùng Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội Habeco, các chuyên gia đã đưa ra kết luận rằng, Việt Nam sẽ cần tăng cường mức độ sẵn sàng ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số và nền sản xuất linh hoạt hơn trước các thách thức hiện hữu song hành cùng cú sốc của đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh dịch bệnh có thể còn kéo dài, DN nào tiếp cận được khách hàng qua online nhiều nhất sẽ ít bị thiệt hại nhất. Ngược lại, sự chậm trễ trong chuyển đổi số khiến DN dễ bị tổn thương. Do đó, việc đổi mới cách thức quản trị, tích tụ dữ liệu thông minh cho DN, sử dụng hiệu quả các nền tảng trực tuyến sẽ có nhiều cơ hội vượt qua khó khăn, thậm chí tận dụng cơ hội phát triển.
Các doanh nghiệp đã thực sự bước vào cuộc chơi chuyển đổi số
Theo bà Nguyễn Thuỳ Dung, Giám đốc Bizfly, các doanh nghiệp Việt Nam đã thực sự bước vào cuộc chơi chuyển đổi số.
Theo khảo sát của Bizfly, 85% các chủ doanh nghiệp được phỏng vấn khẳng định sẽ chuyển đổi số cho doanh nghiệp của mình và 65% khẳng định sẽ tăng ngân sách cho chuyển đổi số.
CEO Bizfly cho biết riêng 6 tháng đầu năm 2021 lượng khách hàng tìm đến Bizfly xin tư vấn chuyển đổi số gấp đôi lượng khách hàng của cả năm 2020.
“Năm nay ngân sách chi tiêu cho công cụ chuyển đổi số khi chúng tôi cung cấp cho khách hàng đã tăng gấp đôi với dịch vụ đóng gói, doanh nghiệp chi 30 triệu đồng cho dịch vụ chatbot thì nay sẵn sàng chi 60 triệu đồng/gói. Với dịch vụ website, với dịch vụ may đo riêng cho doanh nghiệp thì mức độ tăng chi tiêu của doanh nghiệp rất ấn tượng. Nếu trước đây các doanh nghiệp chỉ sẵn sàng chi 50 triệu đồng/website thì nay chúng tôi đã có gói 300 triệu đồng thậm chí 1-2 tỷ đồng/website. Ở đây tôi muốn nói là cuộc chơi chuyển đổi số đã lăn bánh và doanh nghiệp tham gia rất sâu. Lực lượng đang tham gia mạnh mẽ nhất là các doanh nghiệp SMEs. Các tập đoàn lớn sẽ tham khảo rất nhiều và cân nhắc còn SMEs tham gia từ rất sớm”, bà Dung chia sẻ.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thùy Dung cho biết các ngành tích cực nhất chuyển đổi số dựa trên khảo sát các khách hàng của Bizfly là bán lẻ và FMCG, các DN này bị ảnh hưởng lớn nhất bởi đại dịch nên khi bị đứt gãy kênh bán hàng thông thường thì động lực khiến họ chuyển sang kênh online rất mạnh mẽ.
Nhóm thứ 2 là nhóm doanh nghiệp dược, nhóm này đã chuyển đổi số dược 60-70% hoạt động bán hàng của họ.
Thứ ba là giáo dục trực tuyến. Học sinh hiện nay vẫn đang học online, Bizfly đón một lượng lớn khách hàng đến từ doanh nghiệp giáo dục và các trường công. Nhóm này muốn được tư vấn trọn bộ về chuyển đổi số.
Thứ tư là nhóm tài chính ngân hàng. Các doanh nghiệp này số hoá từ rất sớm, nhưng số hoá liên quan đến trải nghiệm khách hàng và marketing bán hàng thì họ tăng tốc cho mảng này nhiều hơn.
Một nhóm khá bất ngờ là bất động sản. Covid diễn ra khiến hoạt động bán hàng của họ thay đổi cách thức nhưng nhu cầu mua của khách hàng rất cao, nên họ tìm giải pháp làm thế nào phục vụ khách hàng qua kênh online. Đây là nhóm lớn và tiêu biểu mà Bizfly phục vụ thời gian vừa rồi. Họ đầu tư mạnh mẽ và ứng dụng tốt vào hoạt động kinh doanh của mình.
Chính phủ, doanh nghiệp cần “khởi nghiệp lại”
Tại hội thảo, Giáo Sư Hà Tôn Vinh – Chủ tịch Tổ hợp Giáo dục và Tư vấn Quốc Tế Stellar Management cũng đã chia sẻ kinh nghiệm quốc về về chuyển đổi số thông qua 3 cuộc cách mạng công nghệ và đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp lúc này cần phải “khởi nghiệp lại”.
Theo giáo sư Hà Tôn Vinh, trong thời đại công nghệ số hiện tại, khi Facebook, Youtube, Amazon, Grab, Alibaba đang bao phủ nền kinh tế số thì công nghệ và di động là tương lai của tất cả mọi mặt của cuộc sống.
Nhìn lại 3 cuộc cách mạng công nghệ thông tin khi chiếc máy tính đầu tiên của Apple ra đời năm 1977, đến nay 4,6 tỷ người trên thế giới đang sử dụng internet mỗi ngày. Cuộc cách mạng số bùng nổ khi tại thời điểm tháng 1/2021, 5,22 tỷ người trên trái đất có điện thoại di động, và số người tham gia sử dụng mạng xã hội lên tới 4,2 tỷ người.
Tại Việt Nam, 68 triệu người sử dụng internet chiếm 70% dân số, trong đó thời gian sử dụng internet tại Việt Nam là 6,3 giờ mỗi ngày. Trong 25 năm qua, môi trường internet đã phát triển vượt bậc, không chỉ đơn thuần là nơi cung cấp thông tin mà còn mang đến giá trị gia tăng, cung cấp nền tảng số cho kinh tế phát triển.
Theo Giáo sư Hà Tôn Vinh, cuộc cách mạng công nghệ thông tin lần thứ 3 là điều kiện tiên quyết để Việt Nam phát triển, giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong kinh doanh và quản lý.
Giáo sư Hà Tôn Vinh đưa ra số liệu tại thị trường Mỹ, khi 55% các công ty khởi nghiệp đều có chiến lược chuyển đổi số, và 89% các tổ chức hiện tại đã có chiến lược chuyển đổi số hay đã sử dụng công nghệ số trong đó một số ngày có tỷ lệ chuyển đổi số cao nhất dịch vụ 95%, tài chính 93% và y tế 92%.
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh doanh hiệu suất lao động, giúp nâng cao khả năng sáng tạo, đem lại trải nghiệm mới cho khách hàng. Nhờ chuyển đổi số, chỉ trong 10 năm, giá trị thị trường của Amazon tăng 2000%, đưa Amazon trở thành một trong những tập đoàn có vốn hoá thị trường lớn nhất toàn cầu.
Tại thị trường Việt Nam, do ảnh hưởng bởi Covid, GDP Việt Nam năm 2021 theo Giáo sư Hà Tôn Vinh có thể chỉ đạt 2,7% nhưng sẽ tăng trở lại 7% vào năm 2022. Do đó, giáo sư Hà Tôn Vinh đưa ra lời khuyên với các doanh nghiệp trong thời đại chuyển đổi số cần “khởi nghiệp lại” xây dựng lại chiến lược và tầm nhìn làm việc để không bị các thị trường từ bỏ. Nhất là khi xu hướng thế giới đang chuyển đổi số mạnh mẽ.
GS. Vinh nhận định: Doanh nghiệp phải thay đổi cung cách làm việc, bỏ đi những “hành lý” nặng nề, đừng để nó kéo ngã doanh nghiệp. Chuyển đổi số giờ không còn là nhu cầu, muốn hay không mà đã là điều bắt buộc phải làm. Doanh nghiệp phải đi tiên phong, đổi mới triết lý, phương pháp kinh doanh để có thể làm lại tốt hơn.
“Tôi đánh giá người Việt Nam vốn thông minh, chịu khó, ham học hỏi, công nghệ cũng đang phát triển. Vì vậy, việc chuyển đổi số chỉ còn là vấn đề thời gian. Quan trọng không phải vấn đề công nghệ hay cơ hội, mà là vấn đề tư duy của các cấp lãnh đạo. Ngoài ra, tầng lớp sinh viên cũng cần thay đổi tư duy, phải có tiếng Anh và am hiểu về công nghệ, đừng quá trông chờ vào số điểm trên bằng cấp”, GS. Hà Tôn Vinh khẳng định.
Các chuyên gia đưa ra kết luận rằng, các vấn đề rào cản cũng được đặt ra với nhiều doanh nghiệp hiện nay là: Thiếu kinh nghiệm về công nghệ, không đủ kỹ năng nội bộ, thiếu ngân sách… đang là những khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam khi chuyển đổi số. Và những băn khoăn vướng mắc của các doanh nghiệp hy vọng sẽ được các cơ quan chức năng sớm giải quyết để doanh nghiệp Việt áp dụng số hóa một cách phổ biến và không bỏ lỡ “chuyến tàu 4.0”.
Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội – Habeco
Website: Habeco.com.vn
Facebook: https://www.facebook.com/biahanoi1890
Địa chỉ: 183 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà nội
Điện thoại: (024) 38453843
Bộ phận bán hàng: (024) 66546909