Cổ phiếu của Starbucks giảm hơn 3% trong phiên giao dịch vào đầu hôm thứ Tư. Với giá trị thị trường hiện tại là 92,6 tỷ USD, cổ phiếu này đã giảm 10% trong năm nay.
Trước đó vào tháng 4, Starbucks đã rút lại triển vọng của mình. Họ đang dự báo mức lỗ ròng trên mỗi cổ phiếu là từ 64 cent đến 79 cent và mức lỗ được điều chỉnh trên mỗi cổ phiếu là từ 55 cent đến 70 cent cho quý kết thúc vào ngày 28/06. Tuy nhiên, họ kỳ vọng rằng thu nhập trong quý IV tài khóa của mình sẽ cải thiện, khi dự đoán thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu là từ 11 cent đến 36 cent và thu nhập được điều chỉnh trên mỗi cổ phiếu là từ 15 cent đến 40 cent.
Starbucks kỳ vọng dòng tiền hàng tuần sẽ ở mức dương vào cuối tháng 6.
Dự báo của họ dành cho tăng trưởng doanh số bán hàng cùng cửa hàng còn “thê thảm” hơn. Trong cả năm tài khóa, công ty dự kiến doanh số bán hàng cùng cửa hàng tại hai thị trường lớn nhất của mình là Mỹ và Trung Quốc sẽ giảm 10% đến 20%. Dự báo tăng trưởng doanh số bán hàng cùng cửa hàng tại Trung Quốc vào cuối quý IV tài khóa và dự đoán doanh số bán hàng cùng cửa hàng ở Mỹ sẽ vẫn âm.
“Với mỗi tuần trôi qua, chúng ta đang thấy bằng chứng rõ ràng về sự phục hồi của doanh nghiệp, với những cải thiện liên tiếp về hiệu suất bán hàng tại cửa hàng. Thương hiệu Starbucks có thể hồi phục rất nhanh, sự yêu thích của khách hàng rất mạnh và chúng tôi tin rằng giai đoạn khó khăn nhất giờ đã bị bỏ lại phía sau”, CEO Kevin Kevin Johnson và CFO Pat Grismer đã viết trong một lá thư gửi các bên liên quan.
Doanh số bán hàng cùng cửa hàng của Mỹ đã giảm 43% trong tháng 5 khi công ty này mở lại các địa điểm với giờ giấc và hoạt động được thay đổi. Đến cuối tháng, 91% các cửa hàng ở Mỹ đã được mở lại. Trong tuần cuối cùng của tháng 5, doanh số bán hàng cùng cửa hàng đã giảm 32%.
Khoảng 95% các địa điểm ở Mỹ đã được mở lại, phần lớn những địa điểm vẫn đóng cửa là tại khu vực thành phố New York.
Tại Trung Quốc, doanh số bán hàng cùng cửa hàng đã giảm 21% trong tháng 5, có cải thiện so với mức giảm 32% trong tháng 4. Trong tuần cuối cùng của tháng 5, doanh số bán hàng cùng cửa hàng chỉ giảm 14% so với một năm trước đó.
Khoảng 90% các quán cà phê ở Trung Quốc đã mở cửa trở lại với thời gian hoạt động giống như trước đại dịch và 70% trong số đó không cắt giảm bớt chỗ ngồi. Trong tháng 4 và tháng 5, Starbucks đã mở 57 cửa hàng mới tại Trung Quốc.
Việc mở cửa hàng mới cũng đã được nối lại ở châu Mỹ. Starbucks hiện dự kiến sẽ mở khoảng 300 địa điểm mới trong năm tài khóa 2020 cho phân khúc này, giảm so với ước tính trước đó của họ là 600.
Công ty cũng có kế hoạch đóng cửa tới 400 quán cà phê thuộc sở hữu của mình trong 18 tháng tới như một phần trong kế hoạch đẩy nhanh các thay đổi đối với những cửa hàng ở Mỹ. Vì nhiều khách hàng đặt hàng thông qua ứng dụng Starbucks hơn nên công ty đã lên kế hoạch sửa đổi các quán cà phê của mình trong vòng 3 đến 5 năm tới, nhưng đại dịch đã đưa mốc thời gian đó lên sớm hơn.
Starbucks có kế hoạch mở thêm nhiều cửa hàng pick-up (ghé lấy trong vòng 1 phút sau khi đã đặt hàng và thanh toán) tại các thị trường đô thị đông đúc như New York, Chicago và San Francisco. Họ đã khai trương địa điểm di động đầu tiên vào tháng 11 tại Penn Plaza của Manhattan. Các quán cà phê ngoại ô sẽ có cửa sổ để đón khách đi bộ, khu “ghé lấy” ở lề đường cho các đơn đặt hàng trên điện thoại di động và hai làn đường cho xe lái xuyên qua.
Chuỗi cà phê này cũng sẽ cải tạo một số cách bố trí quán bằng cách thêm một quầy riêng dành cho khách hàng “ghé lấy” và tăng số lượng nhân viên giao hàng tại các địa điểm bận rộn.
Tham khảo: CNBC