Ba gói hỗ trợ lên tới 8% GDP Việt Nam
“Dịch bệnh này là cuộc đai khủng hoảng của thế giới, có thể không so sánh được bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trước đây như sụp đổ Xô viết, khủng hoảng tài chính 2008 hay đại khủng hoảng 1930”, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu mở đầu cuộc trao đổi tại Hội nghị trực tuyến “Áp dụng nền tảng số cho SMEs bình ổn hoạt động sản xuất kinh doanh và kết nối vốn – Thời kỳ hậu Covid-19 “.
Cụ thể ông Hiếu điểm qua những con số tổn thất nặng nề mà thế giới đang hứng chịu bởi Covid-19 như đã có 2 triệu người nhiễm bệnh, 135.000 người chết. Tại Mỹ có hơn 600 nghìn người nhiễm bệnh, 30.000 người chết tính đến ngày 17/4.
Nền kinh tế của quốc gia này cũng chao đảo khi số liệu số người đăng ký trợ cấp thất nghiệp 22 triệu người chỉ trong 4 tuần. Ông Hiếu cho biết tỷ lệ thất nghiệp hiện tại ở Mỹ là 13,5% trong khi cách đây chỉ 2 tháng Tổng thống Donald Trump tự tuyên bố tỷ lệ thất nghiệp chỉ 3,5% so với tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên của các quốc gia vào khoảng 5%.
“Việt Nam may mắn khi số người nhiễm thấp và chưa có trường hợp tử vong, thế nhưng Covid-19 đang tác động đến nền kinh tế Việt Nam rất mạnh và đặc biệt đối tượng đang chịu thiệt hại là người lao động, doanh nghiệp vừa và nhỏ và các hộ kinh doanh”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định về tác động của Covid-19 tới kinh tế Việt Nam.
Ngay từ ngày đầu tháng 3, nhận thấy những thiệt hại nhãn tiền mà các doanh nghiệp đang gặp phải khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Thủ tướng Chính phủ đã lập tức ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg với các giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Hiện Chính phủ đang triển khai 3 gói hỗ trợ lớn tới doanh nghiệp và người dân.
“Tổng cộng số tiền các gói hỗ trợ vào khoảng 550.000 tỷ đồng, chiếm 8%GDP là con số rất lớn. Ở Mỹ gói hỗ trợ là 2.200 tỷ USD chiếm 10%GDP. Việt Nam có gói 8%GDP so với Mỹ ở mức 10% là rất tuyệt vời.
Nhưng chúng ta xem trong những gói đó ai là người thụ hưởng. Liệu các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngoài kia thụ hưởng được bao nhiêu trong gói đó ?”, ông Hiếu chất vấn.