Sáng 29-4, hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội đã khai mạc, cho ý kiến về dự thảo chương trình hành động của Đảng bộ thành phố thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố; dự thảo nghị quyết về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo thông tin từ CAND, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng Hà Nội hiện nay trong cái áo quá chật, đường vành đai 3 giờ tắc suốt ngày đêm, đặc biệt là các cửa ngõ dồn vào khu vực Pháp Vân – Cầu Giẽ. Nếu có đường vành đài 4 thì không gian phát triển đô thị ở TP, không gian để thu hút đầu tư vô cùng lớn, từng bước giảm chênh lệch phát triển giữa khu vực Hà Nội ngày trước và Hà Nội mới bây giờ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết: “Mình đã quyết làm là tập trung bố trí vào đây, trước hết là giải phóng mặt bằng, thường trực Thành ủy họp thống nhất quy mô cao nhất đường có mặt cắt ngang 120m, có 2 tầng, tầng trên là đường cao tốc, tầng dưới là để kết nối với các đô thị sau này”.
Theo bí thư Hà Nội, điểm khác giữa đường vành đai 3 hiện nay và đường vành đài 4 trong tương lai là ở chỗ khi làm quy hoạch đường vành đai 4 thì làm luôn quy hoạch đường sắt, hai bên đường ngoài 120m mặt cắt ngang thì cắm mốc giới 200-300m để làm quy hoạch chi tiết 1/500, làm các quy hoạch phân khu để giữ đất.
Sau gần 10 năm được phê duyệt quy hoạch, tuyến vành đai 4 – vùng Thủ đô dài gần 100km qua địa bàn ba tỉnh (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) với quy mô 6 làn xe, trong đó đoạn qua thủ đô hơn 56km đang được thành phố Hà Nội khởi động.
Dự kiến, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 66.500 tỉ đồng, sẽ được triển khai thi công và cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thủ đô Hà Nội.
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, nếu dự án tuyến đường vành đai 4 và vành đai 5 vùng Thủ đô sớm được đầu tư sẽ tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương và giúp giảm áp lực giao thông. Tuy nhiên, 2 tuyến đường vành đai này vẫn đang gặp nhiều trở ngại về nguồn vốn đầu tư.