Nằm khiêm tốn trên vỉa hè (đường Tố Hữu, TP Nha Trang, Khánh Hòa) đoạn thuộc số 1E chung cư CT1 VCN Phước Hải, xe bán hàng ăn vặt với dòng chữ “Hỗ trợ người điếc hòa nhập cộng đồng” luôn nhận được sự quan tâm của nhiều người đi đường.
Xe bán hàng ăn vặt của “những nụ cười” tại phố biển Nha Trang
Vì là xe bán hàng của người điếc nên tất cả các món ăn đều được in ra menu, khách đến chỉ cần chỉ vào món và giơ ngón tay báo số lượng thì các bạn nhânh viên lại tức tốc phục vụ ngay, nếu có yêu cầu gì thêm sẽ ghi ra giấy.
Ý tưởng về xe bán hàng ăn vặt giúp người khiếm thính do anh Võ Minh Bảo Ngọc (chủ quán 3 Ngon, tại TP Nha Trang, Khánh Hòa) phối hợp cùng bạn bè thực hiện. Anh Ngọc trước đây là thông dịch viên miễn phí cho người khiếm thính nên anh hiểu họ cần gì và phải giúp đỡ ra sao?
“Tôi từng xin việc cho người khiếm thính nhưng vì bất đồng ngôn ngữ nên các bạn chỉ làm 2-3 tháng lại nghỉ, dù chỉ là những việc đơn giản như: rửa chén, giúp việc, rửa xe, lau sàn… hoặc nếu có làm các bạn cũng bị đối xử không công bằng, bị ép lương.
Và tôi cũng có con là người khiếm thính nên tôi muốn chia sẻ, giúp đỡ họ. Quán sẽ bán từ 16h – 23h xuyên Tết, đêm 30, mùng 1 vẫn bán”, anh Ngọc nói.
Anh Ngọc cũng cho hay quán nhận được sự hỗ trợ mặt bằng, cũng như nguyên vật liệu… vì vậy các bạn làm tại đây đều được trả lương tương xứng. Anh dự định sẽ mở thêm một vài xe bán đồ ăn vặt tương tự tại các điểm trong thành phố hoặc lập một page giới thiệu việc làm thêm cho người khiếm thính.
“Hồi ngày đầu mở quán trời mưa tầm tã mấy bạn ngồi co cụm dưới mái hiên đợi khách làm mình rất thương. Sau này qua những bài đăng trên mạng xã hội nhiều người đã biết đến quán hơn. Chúng tôi cũng đầu tư vào nguyên liệu cách chế biến sao cho hấp dẫn để khách quay trở lại.
Các bạn có thể làm chậm nhưng tất cả mọi người đều vui vẻ thông cảm, bỏ qua. Dù không thể nghe không thể nói nhưng ánh mắt, nụ cười của các bạn là cách giao tiếp hiệu quả nhất”, anh Ngọc tâm sự.
Anh Ngọc đang hướng dẫn các bạn nhân viên cách giao tiếp với khách
Thấy khách đến bạn Nguyễn Hồng Nhật đem thực đơn ra mời khách, rồi ra hiệu qua những ngón tay cho bạn Nguyễn Phương Nhi. 4 bạn trẻ người phụ trách bếp, người bưng bê, người tính tiền… tuy không thể nói nhưng lại giao tiếp rất nhịp nhàng.
Qua lời phiên dịch của anh Ngọc, Nhật nói: “Em đang là vận động viên bóng rổ, ban ngày tập luyện tối đến đây phụ quán. Làm việc ở đây rất vui vì em có thể làm việc cùng với những bạn có hoàn cảnh như em, được mọi người đón nhận. Tiền lương Tết năm nay, em sẽ mua sắm Tết cho gia đình và để dành một ít cho sinh hoạt”
Chăm chú chế biến đồ ăn cho khách, bạn Nguyễn Phương Nhi kể phải rất chật vật để kiếm một việc làm phù hợp. Những ngày đầu bán hàng, anh Ngọc hỗ trợ thông dịch, hướng dẫn các bạn cách giới thiệu thực đơn; nhận đơn hàng; phục vụ, giao tiếp với khách hàng qua điện thoại, giấy bút ghi chép; tính tiền, in hóa đơn…
“Được làm việc với chúng em là niềm vui, em mong muốn sẽ có nhiều bạn sẽ được giúp đỡ để tự chăm lo cho cuộc sống của mình”, Nhi nói.
Cầm trên tay hộp xiên que nóng hổi, chị Lê Thanh Thùy – người dân TP Nha Trang chia sẻ: “Đêm nay tôi tranh thủ đi mua sắm, thấy quán sáng đèn nên ghé vào mua ủng hộ các bạn. Các bạn tuy không thể nghe nói những phục vụ rất tốt. Giữa trời lạnh thế này các bạn vẫn niềm nở, chạy tới chạy lui rất chăm chỉ. Tôi nghĩ rằng Tết là để yêu thương sao mình lại không dành một chút yêu thương cho những người kém may mắn hơn mình. Chắc chắn tôi sẽ dắt bạn bè đến đây thưởng thức các món ăn vặt”.
Chiếc xe bán hàng ăn vặt đầy tình người và sự sẻ chia
Các bạn nhân viên tuy không thể nói, không thể nghe nhưng nụ cười chính là cách giao tiếp hiệu quả với khách