Rắc rối đang dần nảy sinh trong lòng kinh tế Mỹ. Cơn khát hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và những container vẫn thường vận chuyển chúng khiến các nhà nhập khẩu cà phê khó có thể lấy được hàng từ Brazil, trong khi trung bình mỗi người Mỹ sẽ nhấm nháp 2 cốc cà phê mỗi ngày.
“Họ đang sử dụng bất cứ thứ gì có thể”, Janine Mansour, lãnh đạo của cảng New Orleans, cửa ngõ nhập khẩu cà phê lớn nhất ở Mỹ cho hay. Các biện pháp đối phó bao gồm tăng kích cỡ các thùng hàng lên hết mức có thể. Theo ông Mansour, nhập khẩu những container vẫn còn rỗng sẽ khiến chi phí tăng thêm và phần tăng thêm đó cuối cùng sẽ do người tiêu dùng gánh chịu.
Giá thực phẩm tăng vọt
Ở Mỹ không chỉ giá cà phê đang tăng lên. Tình trạng tắc nghẽn trên mạng lưới vận chuyển và sản lượng thấp tại các vùng trồng trọt kết hợp với nhu cầu tăng vọt khiến giá thực phẩm tăng lên trên diện rộng. Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) dự đoán tổng kim ngạch nhập khẩu thực phẩm của thế giới sẽ đạt gần 1.900 tỷ USD trong năm nay, tăng mạnh so với mức 1.600 tỷ USD của năm 2019.
Trong tháng 5, chỉ số giá hàng hóa mềm (soft commodities – những loại hàng hóa được trồng thay vì khai thác như cà phê, ca cao, đường, ngô, lúa mì, đậu tương, trái cây và chăn nuôi) do FAO thống kê đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2011 sau khi tăng 12 tháng liên tiếp. Một chỉ số tương tự do S&P Global xây dựng cũng tăng 40% kể từ tháng 7/2020.
Hôm 22/7, lãnh đạo của Unilever, công ty sản xuất mọi thứ hàng tiêu dùng từ những que kem Ben & Jerry đến sốt mayonnaise Hellmann, cho biết giá nguyên liệu đầu vào tăng cao đang khiến chi phí của công ty tăng mạnh nhất trong 1 thập kỷ trở lại đây.
Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo làn sóng tăng giá sẽ gây ra lạm phát trên diện rộng hơn trong khi nhiều nước trên thế giới hiện đang đứng trước nguy cơ lạm phát. Đây là tin xấu đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên thiệt hại của họ lại đem đến lợi ích cho các tập đoàn lớn chuyên thu mua, tích trữ và vận chuyển hàng hóa với tư cách đại diện cho các chính phủ hoặc các tập đoàn đa quốc gia.
Thời của những tay buôn
Đây là những công ty sở hữu mạng lưới nhà kho, đường sắt và tàu chở hàng hùng hậu cũng như đầy đủ hệ thống dữ liệu và các mối quan hệ – những thứ cần thiết để “vẽ lại” các tuyến cung ứng. Do đó họ lại sống khỏe và thậm chí ăn nên làm ra trong thời kỳ giá cả biến động mạnh. 4 công ty lớn nhất – ADM, Bunge, Cargill và Louis Dreyfus (còn được gọi là nhóm ABCDs) – gần đây đã tuyển dụng thêm 240.000 lao động và thu được hàng tỷ USD từ những mảng kinh doanh mới ít phụ thuộc hơn vào chu kỳ.
Nhóm ABCDs đã kết nối người mua và người bán trong suốt hơn 100 năm qua. Công ty non trẻ nhất là ADM được thành lập năm 1902, trong khi công ty lâu đời nhất là Bunge “già” hơn 84 tuổi. Trong suốt mấy chục năm cho đến trước đầu những năm 2010, họ phát triển bùng nổ nhờ dân số thế giới tăng nhanh, tiến trình toàn cầu hóa mạnh mẽ và sự thịnh vượng của kinh tế thế giới.
Nhưng sau đó thì tình hình trở nên khó khăn hơn. Nhiều năm liên tiếp mùa màng bội thu khiến giá hàng hóa mềm ổn định ở mức thấp và làm giảm lợi nhuận thặng dư. Điện thoại thông minh và các công nghệ khác giúp người nông dân có thể dễ dàng tiếp cận các dữ liệu theo thời gian thực về thị trường, do đó quyền lực của bên trung gian cũng suy giảm đáng kể.
Ngoài ra còn là sự nổi lên ở những công ty còn non trẻ nhưng cũng trở thành “kẻ thách thức” như Viterra (cánh tay nông nghiệp của tập đoàn hàng hóa Glencore) và COFCO International (CIL, công ty giao dịch hàng hóa của 1 ông lớn quốc doanh Trung Quốc). Trong giai đoạn 2013 – 2016, tổng doanh thu của nhóm ABCDs giảm mạnh từ 351 tỷ USD xuống còn 250 tỷ USD và đi ngang kể từ đó đến nay.
Tuy nhiên, năm ngoái tổng lợi nhuận ròng của họ lại tăng gấp đôi, lên 4,5 tỷ USD. Giới phân tích dự báo ADM và Bunge (đều là những công ty niêm yết và sẽ công bố kết quả kinh doanh quý II trong tuần này) sẽ làm tốt hơn trong năm 2021. Cả 4 công ty đều được hưởng lợi từ những thay đổi đột ngột trên cả khía cạnh cung và cầu.