Tiếp tục lỗi hẹn
Bộ Tài chính vừa có Tờ trình Thủ tướng Dự thảo Đề án cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025. Theo đó, 5 năm qua (2016-2020), đã có 178 DNNN được cổ phần hóa (CPH). Xét về số lượng DN, việc CPH vượt kế hoạch, nhưng chưa đạt mục tiêu khi 128 DN trong danh mục CPH chỉ thực hiện được 37 DN. Đa số DN được CPH còn lại (141 DN) nằm ngoài kế hoạch.
Mục tiêu cần bán hơn 98.748 tỷ đồng (tương đương 48%) vốn nhà nước tại DN nhưng thực tế chỉ bán được 22.748 tỷ đồng (đạt 23% kế hoạch, tương đương 11% giá trị vốn nhà nước tại DN). Theo Bộ Tài chính, do tỷ lệ vốn nhà nước tại các DN sau CPH cao, nên chưa đạt mục tiêu thay đổi phương thức quản trị, hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong cùng thời gian, các DNNN đã thoái được 25.695 tỷ đồng đầu tư, thu về 172.990 tỷ đồng.
Bộ Tài chính đánh giá, các DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được sắp xếp lại tinh gọn hơn, hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc CPH còn gặp không ít vướng mắc, đặc biệt liên quan xử lý đất đai; còn DN hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ, không tương xứng với nguồn lực nắm giữ…
Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện sắp xếp, cơ cấu, đổi mới hệ thống DNNN trong giai đoạn 2021-2025, mục tiêu đến năm 2025, sẽ cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, cơ cấu lại các DNNN theo hướng chủ yếu là CPH, thoái vốn. Bộ Tài chính đề xuất triển khai 9 nhóm giải pháp cho thời gian tới, như: Hoàn thiện thể chế; Hiện đại hóa quản trị DNNN; Phân định rõ việc quản lý vốn và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh để tiến tới thuê người quản lý với DN trên 50% vốn nhà nước. Theo Bộ Tài chính, cần có cơ chế để Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp chất vấn trực tiếp lãnh đạo DNNN; có cơ chế đảm bảo cho mọi đối tượng quan tâm có thể dễ theo dõi, giám sát, khai thác thông tin công khai của DNNN. Bên cạnh đó, thí điểm một số DNNN sau CPH đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán khu vực và thế giới…
Mạnh tay thoái trên 50% vốn tại DNNN
Trong các giải pháp tái cơ cấu DNNN giai đoạn tới, Bộ Tài chính đề xuất nghiên cứu thí điểm mô hình chuyển đổi một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước từ mô hình công ty một thành viên sang công ty cổ phần 100% vốn nhà nước. Trong đó, cơ quan, đơn vị nhà nước nắm 100% cổ phần, có thể là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm giữ toàn bộ cổ phần, hoặc nắm cổ phần chi phối. Sau đó, công ty cổ phần nhà nước nắm 100% vốn sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán để thực hiện thoái vốn hoặc huy động vốn qua sàn.
Theo đánh giá, mô hình công ty cổ phần 100% vốn nhà nước không mới, trên thế giới đã có nhiều nước áp dụng hiệu quả như Nhật Bản, Đức… Tại Đức, hiện có khoảng 10.000 công ty cổ phần nhà nước, trong đó có khoảng 1.000 công ty đã niêm yết trên thị trường chứng khoán. Theo mô hình này, bộ quản lý ngành và Bộ Tài chính Đức cử người đại diện vốn nhà nước tham gia hội đồng cổ đông, bổ sung thêm hội đồng giám sát có đại diện người lao động tham gia. Các công ty cổ phần này được niêm yết trên sàn chứng khoán, việc chuyển nhượng vốn nhà nước hoặc huy động vốn từ xã hội được thực hiện qua sàn chứng khoán.
Bộ Tài chính đánh giá, nếu Việt Nam áp dụng mô hình trên, có thể đảm bảo công khai, minh bạch, thuận tiện cho thoái vốn hoặc huy động vốn qua thị trường chứng khoán. Từ đó, tiến tới thí điểm 1 số DNNN niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế. Bên cạnh đó, giải pháp này có thể bổ sung thêm công cụ đẩy nhanh việc xây dựng 17 tập đoàn, tổng công ty nhà nước quy mô lớn dẫn dắt nền kinh tế (theo Đề án đang được Bộ KH&ĐT xây dựng).
Trao đổi với PV Tiền Phong, GS.TS Võ Đại Lược (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới) cho rằng, thực tế CPH vừa qua chưa đạt mục tiêu, khi 128 DNNN theo danh mục chỉ CPH được 37 DN và tỷ lệ vốn nhà nước bán ra rất thấp. “Nhiều người chỉ muốn bán cổ phần nhà nước dưới 50%, để nhà nước vẫn nắm chi phối, gọi là DN cổ phần nhưng bản chất vẫn là nhà nước nắm giữ. Nếu CPH như vậy không nên làm, vì bản chất hoạt động DN vẫn không thay đổi, nhưng lại ôm thêm nguồn lực xã hội đầu tư vào làm tăng nguy cơ lãng phí. Như vậy không làm còn tốt hơn”, ông Lược nói.
Ông Lược đề xuất, thời gian tới, Nhà nước lập danh sách DNNN phải CPH với tỷ lệ bán vốn bắt buộc trên 50%, không CPH thấp hơn. Có như vậy khối DN tư nhân trong nước mới còn dư địa phát triển, khi DNNN đang nắm giữ quá nhiều nguồn lực độc quyền, còn DN FDI hưởng nhiều ưu đãi. Kể cả có chuyển thành công ty cổ phần để niêm yết trên thị trường chứng khoán, khi thoái vốn DNNN cũng phải thoái trên 50%. “Chúng ta đã có các nghị quyết của Đảng là thoái vốn nhà nước ở những lĩnh vực không thiết yếu, vấn đề là có quyết tâm làm hay không?”, ông Lược nói thêm.
Tới hết năm 2019, khối DN 100% vốn nhà nước có tổng tài sản hơn 2,99 triệu tỷ đồng (chủ yếu các tập đoàn, tổng công ty với hơn 2,73 triệu tỷ đồng, chiếm 92%); Vốn chủ sở hữu hơn 1,42 triệu tỷ đồng; Nợ phải trả hơn 1,54 triệu tỷ đồng; Tổng doanh thu hơn 1,65 triệu tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế 162.750 tỷ đồng; Nộp ngân sách nhà nước 283.000 tỷ đồng.
Đối với công ty cổ phần có vốn góp nhà nước, hết năm 2019, tổng tài sản hơn 813.955 tỷ đồng; Vốn chủ sở hữu năm 335.627 tỷ đồng; Nợ phải trả 371.511 tỷ đồng; Tổng doanh thu 662.286 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế 55.633 tỷ đồng; Nộp ngân sách nhà nước 113.356 tỷ đồng.