Lũng đoạn thị trường là hoạt động có chủ đích nhằm tác động đến sự vận hành tự do và công bằng của thị trường, tạo ra các hiệu ứng giả liên quan đến giá cả của thị trường chứng khoán, hàng hóa hoặc tiền tệ.
Lũng đoạn trong thị trường tài chính không phải là một khái niệm mới. Từ những trung tâm tài chính toàn cầu như London (Anh), New York (Hoa Kỳ), Hong Kong (Trung Quốc), cho đến những thị trường vốn đang phát triển như Việt Nam, Bangladesh đều có thể xuất hiện việc lũng đoạn cùng những hệ lụy nguy hiểm.
Các hành động lũng đoạn như điều chỉnh lãi suất, quy trình cho vay, hay tình trạng bán khống cổ phiếu có thể gây ra thất thoát hàng tỷ USD mà chúng ta không hề hay biết. Trong bối cảnh thị trường tài chính Việt Nam đang mở cửa sâu rộng hơn, cần có sự hiểu biết và ngăn chặn lũng đoạn thị trường vốn, tránh gây ảnh hưởng xấu đến người dân và nền kinh tế.
Nếu lấy việc vay vốn làm ví dụ, ta có thể thấy khá nhiều từ bài học Bangladesh. Trong những năm 2000, gần 60% người dân vay vốn tại Bangladesh thừa nhận rằng họ đã phải hối lộ nhân viên ngân hàng để được chấp thuận khoản vay. Việc phải chi trả khoản phí “đen” tạo nên một rào cản với các cá nhân có thể tiếp cận nguồn vốn, cho dù ý tưởng kinh doanh của họ có tốt thế nào đi nữa.
Điều này đồng nghĩa với việc một số cá nhân “chịu chi” để dễ dàng vay vốn hơn, mặc dù họ không có lịch sử tín dụng hay tài sản thế chấp để chứng minh khả năng chi trả. Điều này dẫn đến việc những dự án xấu lại xin được vốn vay. Theo một nghiên cứu về 125 khoản nợ xấu trong những năm 2000 tại Bangladesh, khoảng 78% trong số này đã sử dụng mối quan hệ để xin vay vốn.
Khi thị trường tài chính bị lũng đoạn, thông tin có khả năng bị bưng bít. Điều đó có nghĩa rằng những người trong nội bộ nắm được thông tin mật và dễ dàng thu lợi trong khi những nhà đầu tư chịu thiệt hại.
Một ví dụ gần đây nhất chính là cơn sốt công nghệ “blockchain”. Khi không có biện pháp điều chỉnh phù hợp, như luật chứng khoán, những cá nhân xấu có thể tạo nên những thủ đoạn “pump and dump” hay “thổi giá rồi bán tháo”.