Doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ

Doanh nghiệp khó tiếp cận gói hỗ trợ

Điều kiện ngặt nghèo

Hai năm qua, cơ sở may Phú Sinh (TP Thủ Đức) không thể hoạt động do dịch bệnh. Mặc dù rất khó khăn nhưng cơ sở này vẫn không thể tiếp cận được bất cứ nguồn vốn vay ưu đãi nào từ ngân hàng. Ông Nguyễn Thành Sinh, chủ cơ sở cho biết, tất cả các khoản vay tại ngân hàng của cơ sở đều phải trả theo lãi suất thương mại và cũng không được giãn nợ, dù đơn vị ngày càng kiệt sức. “Nhiều lần chúng tôi hỏi ngân hàng về các chương trình hỗ trợ DN gặp khó khăn do dịch COVID-19, nhưng đến nay vẫn chưa có tín hiệu phản hồi”, ông Sinh cho biết.

Theo ông Sinh, khi biết Chính phủ có gói hỗ trợ lãi suất 0% để trả lương công nhân, ông liền liên hệ để vay, nhưng cơ sở lại vướng điều kiện là “không có nợ xấu”. “Thực sự yêu cầu này rất khó đáp ứng, bởi kinh doanh khó khăn, hầu như rất ít DN không có nợ xấu”, ông Sinh nói.

Ông Bùi Thế Duy, Giám đốc Công ty Du lịch L.V (quận 1, TPHCM) chia sẻ, quy định phải có thêm bản sao quyết toán thuế thu nhập DN năm 2020 của cơ quan thuế là gây khó cho DN lĩnh vực du lịch, lữ hành. Theo ông Duy, một số DN đã liên hệ với cơ quan thuế ở TPHCM thì được thông báo là cơ quan này chỉ xác nhận tờ khai thuế, nộp thuế của DN trong năm 2020, còn bản sao quyết toán thuế thì chưa có, vì quyết toán thuế chỉ được thực hiện sau vài năm.

Theo ông Bùi Minh Trí-Trưởng BQL Các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, dịch bệnh đã gây ảnh hưởng khiến hàng nghìn DN trên địa bàn phải tạm ngưng hoạt động, chỉ có gần 1.400 nhà máy hoạt động “3 tại chỗ”. Trong khi đó, bà Nguyễn Ngọc Hằng – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Bình Dương cho biết, tính đến ngày 13/9, tỉnh này mới có 2 DN vay trả lương cho 243 lao động mất việc và đã được NHCSXH chi nhánh Bình Dương giải ngân với số tiền là 1,7 tỷ đồng. Sở LĐ-TB-XH Đồng Nai cũng cho biết, tính đến ngày 17/9, có 9 lượt DN sử dụng 516 người lao động đã được NHCSXH chi nhánh Đồng Nai giải ngân 4,11 tỷ đồng để trả lương cho lao động ngừng việc, hỗ trợ phục hồi sản xuất.