Những cuộc tranh luận về việc Trung Quốc sẽ dần dần thắt chặt chính sách tiền tệ vào tài khóa hay không đang ngày càng trở nên căng thẳng. Nội dung này bắt đầu được thảo luận từ cuối năm ngoái, khi Trung Quốc trải qua tiến trình hồi phục hình chữ V.
PBOC cho biết việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) vào tuần trước là một động thái hỗ trợ thanh khoản và không phải là dấu hiệu của sự thay đổi trong định hướng chính sách. Tuy nhiên, bước đi được đưa ra đột ngột và trên quy mô lớn đã gây ra sự bất ngờ và dấy lên mối lo ngại về triển vọng tăng trưởng.
Cùng với việc thu hẹp quy mô của các chính sách kích thích, nền kinh tế Trung Quốc vừa chứng kiến những “cơn gió ngược” trong quý vừa qua, từ giá nguyên liệu thô tăng cao đến tình trạng thiếu chip và những đợt bùng phát nhỏ lẻ của dịch bệnh đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu. Số liệu kinh tế mới sẽ cho thấy mức độ ảnh hưởng của các vấn đề trên đối với đà tăng trưởng chung.
Tuần này, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đưa ra lưu ý thận trọng. Ông cảnh báo rằng Trung Quốc cần phải chuẩn bị cho những rủi ro mang tính chu kỳ và thực hiện sự điều chỉnh. Ông nói, chính phủ nên tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, nhưng không nên áp dụng các chính sách kích thích quá mạnh mẽ.
Dưới đây là 5 yếu tố cần theo dõi trong báo cáo GDP quý II và hoạt động sản xuất tháng 6 của Trung Quốc sắp được công bố:
Động lực tăng trưởng
Những yếu tố hỗ trợ cho sự hồi phục của Trung Quốc – xuất khẩu, đầu tư bất động sản và sản xuất công nghiệp, vẫn vững chắc trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, cuối năm 2020, các hoạt động này dần chậm lại khi nền kinh tế đã tăng trưởng với tốc độ bình thường và Bắc Kinh nỗ lực hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản.