Theo mục tiêu phát triển kinh tế của Hà Tĩnh đến năm 2025, tỉnh này phấn đấu GRDP bình quân đầu người cao hơn các tỉnh Bắc Trung Bộ. Tới năm 2030, trở thành tỉnh khá của cả nước với GRDP bình quân gần 7.000USD, nâng lên 17.700USD vào năm 2045 và 26.000USD vào năm 2050; tầm nhìn 2050, tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70%.
Hà Tĩnh hướng đến 4 lĩnh vực kinh tế trọng điểm, đó là công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; nông, lâm nghiệp và thủy sản; thương mại – dịch vụ và du lịch; dịch vụ logistics.
Hình thành 3 trung tâm đô thị
Với 3 trung tâm đô thị được quy hoạch phát triển gồm: Trung tâm đô thị xung quanh thành phố Hà Tĩnh, trong đó thành phố Hà Tĩnh là hạt nhân; trung tâm đô thị phía Bắc là thị xã Hồng Lĩnh; trung tâm đô thị phía Nam là thị xã Kỳ Anh. Thành phố Hà Tĩnh là đô thị trung tâm, và các đô thị vệ tinh xung quanh gồm: thị trấn Thạch Hà, thị trấn Cẩm Xuyên và thị trấn Lộc Hà. Trung tâm đô thị này sẽ trở thành trung tâm thương mại – du lịch, trung tâm khoa học – đào tạo của tỉnh.
Trung tâm đô thị phía Bắc là thị xã Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Tiên Điền, thị trấn Xuân An và vùng phụ cận. Không gian phát triển Trung tâm đô thị theo hướng bờ Nam sông Lam, cùng với các đô thị vệ tinh để kết nối với thành phố Vinh. Trung tâm đô thị này sẽ trở thành trung tâm công nghiệp nhẹ và du lịch phía Bắc của tỉnh.
Trong những năm gần đây, nhiều ông lớn BĐS đổ về đây tìm kiếm cơ hội đầu tư. Nhiều dự án BĐS quy mô lớn từ hàng nghìn đến chục nghìn tỷ đồng được xúc tiến đầu tư. Sự xuất hiện của hàng loạt các tên tuổi lớn như Vingroup, T&T, FLC,…đang tạo nên làn sóng kéo nhiều đại gia BĐS khác cũng đổ bộ về Hà Tĩnh “làm tổ”. Theo chương trình xúc tiến đầu tư 2021 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh này sẽ kêu gọi đầu tư 71 dự án với nhiều lĩnh vực với tổng vốn đầu tư hàng tỷ USD.
Trong số đó, nhiều dự án BĐS quy mô lớn được kêu gọi đầu tư như: Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí Đảo Xuân Giang 2 và vùng ven sông Lam (25.000 tỷ đồng); Khu du lịch và sân golf tại huyện Lộc Hà (quy mô 200 ha, vốn 200 tỷ đồng); Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng khách sạn 5 sao tại thị trấn Thiên Cầm (1.000 tỷ đồng).
Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng khách sạn 5 sao tại thị trấn Lộc Hà (1.000 tỷ đồng), Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng khách sạn 5 sao xã Xuân Thành (1.000 tỷ đồng); Khu du lịch ven biển Kỳ Nam huyện Kỳ Anh (4.000 tỷ đồng),…
Lĩnh vực công nghiệp có các dự án và nhu cầu vốn như: Hạ tầng KCN Gia Lách tại huyện Nghi Xuân (300 ha, 1.000 tỷ đồng); Hạ tầng KCN phía Tây TP Hà Tĩnh (1.000 – 1.500 ha, 7.000 – 10.500 tỷ đồng); KCN đô thị và dịch vụ tại xã Hồng Lĩnh và huyện Can Lộc (2.000 ha, 25.000 tỷ đồng),…
Lĩnh vực phát triển đô thị có các dự án và nhu cầu vốn như: Khu đô thị mới và công viên trung tâm tại TP Hà Tĩnh (300 ha, 10.000 tỷ đồng); Khu đô thị mới Hàm Nghi tại TP Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà (150 ha, 25.000 tỷ đồng). Khu đô thị du lịch sinh thái Thiên Cầm huyện Cẩm Xuyên (180 ha, 5.000 tỷ đồng); Khu đô thị thương mại và dịch vụ Văn Yên tại TP Hà Tĩnh (70 ha, 3.000 tỷ đồng); Công viên trung tâm và khu đô thị Lam Hồng Garden Park City tại TP Hà Tĩnh (50 ha, 3.000 tỷ đồng),…
Được biết, dự án Công viên trung tâm và khu đô thị Lam Hồng Garden Park City tại TP Hà Tĩnh do CTCP Crystal Bay (thành viên thuộc Tập đoàn Crysal Bay) xây dựng phương án tư vấn. Dự án có tổng diện tích hơn 218 ha.
Với Quần thể sân golf, trung tâm hội nghị, khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp tại thị trấn Thiên Cầm, dự án này cũng do một doanh nghiệp lớn đầu tư.