So với lúc mở cửa sáng nay (18/5), giá vàng trong nước tiếp tục tăng thêm 300-400 nghìn đồng/lượng, giá bán ra lên sát 49,5 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, lúc 16h00 (18/5), Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 48,9-49,43 triệu đồng/lượng, tăng 400 nghìn đồng/lượng so với sáng nay và tăng tổng cộng 700 nghìn đồng/lượng so với cuối tuần trước.
Tương tự, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận cũng đã điều chỉnh giá vàng SJC lên mức 48,9-49,35 triệu đồng/lượng, tăng 700 nghìn đồng/lượng so với tuần trước.
Trên thế giới, giá vàng giao ngay đã lên mức 1.760 USD/ounce, cao nhất 8 năm. Giá vàng giao tháng 6 cũng tiếp tục tăng lên 1.772 USD/ounce.
Ed Moya, chuyên gia phân tích tại sàn giao dịch trực tuyến OANDA có trụ sở tại New York, cho biết, dữ liệu tháng 4 vô cùng bi quan, làm gia tăng nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu.
Các báo cáo cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ giảm 16,4% và sản xuất công nghiệp tụt dốc 11,4% trong tháng 4, đánh dấu năng suất hàng tháng tồi tệ nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân của xu hướng này là vì đại dịch COVID-19 gần như làm tê liệt nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Các nhà kinh tế nhận định, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể đạt đỉnh là 17,4% trong quý II năm nay, sau đó giảm xuống 8,9% vào cuối năm 2020 và 7,6% vào cuối năm 2021.
Một số nhà đầu tư cho rằng việc các ngân hàng trung ương thu mua tài sản cũng giống như việc in tiền và làm giảm giá trị của đồng USD, một lần nữa làm tăng thêm sức hấp dẫn của vàng.
Một báo cáo mới đây của công ty nghiên cứu thị trường Citi Research cho biết ngay cả khi xuất hiện tiềm năng bán tháo lấy thanh khoản trên thị trường vàng lẫn tài sản ở quy mô rộng lớn trong 3-6 tháng tới, giá vàng nhiều khả năng vẫn chủ yếu dao động quanh mức cao từ 1.600 – 1.700 USD/ounce.