Vì sao Trung Quốc phải đưa ra quy định về mức trần giá học phí học thêm?
Để thực hiện chính sách “giảm kép” trong giáo dục nhằm giảm bớt áp lực bài vở của học sinh, vào tháng 9/2021, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành “Thông báo về việc tăng cường giám sát học phí đối với chương trình đào tạo ngoài trường theo môn học trong chương trình giáo dục phổ cập”.
Trước đó, 500 NDT là con số phải chi trả cho các lớp học này trước khi các nhà chức trách ban bố hàng loạt biện pháp trong chính sách giảm kép, bao gồm cấm dạy thêm và chuyển đổi các trung tâm giáo dục sang hình thức phi lợi nhuận, nhằm giảm gánh nặng học tập của học sinh, phụ huynh.
Mức trần về giá học phí học thêm được quy định như thế nào?
Các cơ quan chính quyền cấp tỉnh sẽ đưa ra các tiêu chuẩn về mức phí và học phí của các cơ sở đào tạo phải dựa trên các tiêu chuẩn này. Mức tăng không được vượt quá 10%, và mức giảm không giới hạn.
Tờ Economic View đưa tin cho rằng, theo thống kê chưa hoàn thiện, các tỉnh, thành phố như Hải Nam, Quảng Tây, Sơn Đông, Vân Nam, Sơn Tây, Kim Hoa – Chiết Giang, Quảng Châu – Quảng Đông, Hồ Nam,… đã công bố giá hướng dẫn, tối đa là 70 NDT/buổi/học sinh và thấp nhất chỉ 5NDT/buổi/học sinh.
Khi đề ra giá hướng dẫn sẽ phân biệt theo ba loại lớp: lớp dưới 10 học sinh, lớp 10 đến 35 học sinh và lớp trên 35 học sinh. Thời lượng của mỗi buổi học là 30 phút online và 45 phút offline. Thời lượng thực tế khác nhau, sẽ được quy đổi theo tỷ lệ.
Theo các ý kiến đã được trưng cầu ở tỉnh Hải Nam: Đối với các lớp dưới 10 học sinh, giá chuẩn cho việc đào tạo ngoài trường theo môn học là 25 NDT/buổi/học sinh; lớp 10 đến 35 học sinh, là 7NDT /buổi/ học sinh; lớp 35 học sinh trở lên là 5 NDT/buổi/học sinh.
Các ý kiến ở khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây cho biết, giá chuẩn cho các lớp học dưới 10 học sinh là 70 NDT/buổi/học sinh, lớp từ 10 đến 35 học sinh là 50 NDT/buổi/học sinh và các lớp có hơn 35 học sinh là 30NDT/buổi/học sinh.
Theo định nghĩa của Bộ Giáo dục Trung Quốc, khi dạy thêm ngoài nhà trường, các môn học như ngữ văn, lịch sử, địa lý, toán học, ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Nga), vật lý, hóa học và sinh học phải được quản lý theo từng môn học.
Tác động của chính sách
Các biện pháp cứng rắn trên khiến một số ông lớn trong lĩnh vực này như Juren Education, Koolearn và Xueersi phải dừng các hoạt động nhắm đến trẻ em từ mẫu giáo đến lớp chín – dù họ dự định cung cấp dịch vụ thông qua hình thức phi lợi nhuận.
“Nếu chỉ có lớp học vào các ngày trong tuần và thu phí dựa trên quy định về giá của chính phủ thì chúng tôi không thể duy trì được hoạt động của trung tâm và trả lương thỏa đáng cho nhân viên”, đại diện trung tâm Xueersi ở Thượng Hải cho biết. Anh nói thêm: “Trên thực tế, chúng tôi vẫn sẽ sắp xếp để một số giáo viên hiện có của mình tiếp tục dạy trực tuyến tiếng Trung, toán và tiếng Anh trong khuôn khổ của tổ chức phi lợi nhuận”.
Đồng thời trung tâm sẽ cung cấp các chương trình không mang tính học thuật, bao gồm các lớp nghệ thuật và kịch. Học phí của lớp học này ở mức 220 NDT cho 90 phút. Theo chương trình cải cách mới, dạng lớp học như vậy sẽ không bị hạn chế.
Một số gia đình cho biết họ thích chính sách học phí rẻ hơn, số khác lại bày tỏ lo ngại rằng chuẩn hóa học phí có thể ảnh hưởng đến chất lượng của các lớp học. “Chúng tôi chọn Xueersi vì họ đã đầu tư rất nhiều vào chương trình giảng dạy”, Yu Zheng, một phụ huynh ở Thượng Hải nói. “Nhưng từ sau khi học phí giảm đi, tôi tự hỏi liệu họ có tiếp tục đầu tư vào chương trình giảng dạy và giáo viên hay không?”.
Theo Chinatimes