Chất bán dẫn và cuộc đua đổi mới Mỹ – Trung

Chất bán dẫn và cuộc đua đổi mới Mỹ – Trung

Chất bán dẫn, còn được biết đến là chip, là thành phần quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, an ninh và đổi mới công nghệ. Chip nhỏ hơn tem thư, mỏng hơn tóc người và được cấu thành từ gần 40 tỷ thành phần nhưng ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thế giới lại vượt xa Cách mạng Công nghiệp.

Tầm quan trọng của bán dẫn

Từ điện thoại thông minh, máy tính cá nhân, internet, xe điện, phi cơ, vũ khí siêu thanh, chất bán dẫn có mặt trong hầu hết thiết bị điện, số hóa hàng hóa và dịch vụ. Lực cầu chất bán dẫn đang bùng nổ trong khi ngành này đang đối mặt hàng loạt thách thức và cơ hội. Các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), máy tính lượng tử, internet vạn vật (IoT), kết nối không dây đều đòi hỏi chất bán dẫn hiện đại.

Đại dịch Covid-19 cùng các tranh chấp thương mại trên thế giới đang gây áp lực lên nguồn cung ngành bán dẫn và các chuỗi giá trị. Cuộc đối đầu Mỹ – Trung trong lĩnh vực công nghệ càng khiến tình hình khó khăn hơn nữa.

Suốt nhiều thập kỷ, Mỹ là quốc gia dẫn đầu trong ngành bán dẫn, kiểm soát 48% (tương đương 193 tỷ USD) thị phần năm 2020. Theo IC Insights, 8 trong số 15 công ty bán dẫn lớn nhất thế giới có trụ sở tại Mỹ, doanh thu của Intel là cao nhất.

Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu ròng bán dẫn, phụ thuộc đáng kể vào nhà cung ứng nước ngoài, chủ yếu là Mỹ, để đáp ứng nhu cầu công nghệ nội địa. Năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu lượng chip trị giá 350 tỷ USD, tăng 14,6% so với năm 2019.

Thông qua sáng kiến “Made in China 2025” và Hướng dẫn thúc đẩy phát triển công nghiệp vi mạch tích hợp quốc gia, trong 6 năm qua, Trung Quốc tăng cường sử dụng ưu đãi tài chính, tiêu chuẩn về tài sản trí tuệ (IP) và chống độc quyền để phát triển ngành bán dẫn trong nước, giảm phụ thuộc vào Mỹ, hướng đến trở thành một nước đi đầu công nghệ toàn cầu.