Sau khi chi 376,6 tỷ Yên (3,3 tỷ USD) cho các giao dịch ở châu Á trong năm nay, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMBC) Jun Ohta cho biết tham vọng của ông trong khu vực còn lâu mới hoàn thành và ông sẽ cân nhắc nhiều giao dịch hơn nữa trong tương lai.
“Chúng tôi sẽ xem xét nếu có mục tiêu tốt”, ông nói trong cuộc phỏng vấn với Japantimes.
“Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là tạo ra một Tập đoàn SMBC thứ hai và thứ ba. Chúng tôi chỉ đang thiếu mọi thứ”, ông nói thêm.
Người đứng đầu công ty cho vay lớn thứ hai Nhật Bản đang tìm cách mở rộng dịch vụ trên khắp châu Á, mua lại các ngân hàng thương mại và công ty tài chính tiêu dùng tập trung tại 4 quốc gia: Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam và Philippines. Đối mặt với triển vọng tăng trưởng ảm đạm trong nước, các ngân hàng Nhật Bản bắt đầu xây dựng chỗ đứng ở nước ngoài.
Tại Mỹ, Ohta cho biết liên minh chiến lược của Sumitomo Mitsui với Jefferies Financial Group bắt đầu năm nay đã đi đến một số thoả thuận. Công ty của Ohta muốn tăng cổ phần của mình trong Jefferies lên 5% trong tương lai, tuỳ thuộc vào các thoả thuận bằng văn bản với Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York.
Ohta cũng quan tâm đến lĩnh vực ngân hàng bán lẻ của Mỹ và cho biết ông có thể cân nhắc tham gia hoạt động cho vay trực tuyến ở Mỹ như một cách đảm bảo vị thế trên thị trường.
Dưới sự lãnh đạo của Ohta, Sumitomo Mitsui đã thực hiện một loạt thương vụ mua lại và đầu tư chiến lược ở châu Á trong năm nay.
Vào tháng 4, ngân hàng này ký thoả thuận mua 49% cổ phần của công ty cho vay tiêu dùng Việt Nam FE Credit với giá khoảng 1,4 tỷ USD.
Theo sau đó, công ty Nhật Bản thông báo mua 74,9% cổ phần Fullerton India Credit với giá khoảng 2 tỷ USD vào tháng 7. Sumitomo Mitsui cũng nắm giữ 4,99% cổ phần Tập đoàn Ngân hàng Thương mại Rizal của Philippines với giá khoảng 10 tỷ Yên.
Ohta cho biết kế hoạch của ngân hàng là nắm bắt nhu cầu đối với các dịch vụ tài chính cụ thể ở từng giai đoạn phát triển kinh tế trong khu vực, bắt đầu từ tiêu dùng nhỏ – chẳng hạn như cho vay mua xe máy. Cuối cùng, ngân hàng hy vọng sẽ mở rộng các lĩnh vực kinh doanh phát triển mạnh ở các nền kinh tế trưởng thành hơn, như ngân hàng đầu tư, ông nói.
Bất chất những nỗ lực xây dựng hoạt động kinh doanh tại châu Á và tăng lợi nhuận cho cổ đông, ông Ohta cho rằng cổ phiếu ngân hàng vẫn còn quá rẻ.
“Thật đáng tiếc”, ông nói, đồng thời chỉ ra tỷ lệ P/B của ngân hàng vào khoảng 0,43.
“Tôi cảm thấy bực bội. Chúng tôi muốn làm điều gì đó để cải thiện điều này nhưng vẫn chưa thành công”.
Tại Việt Nam, ngoài thương vụ mua lại 49% cổ phần FE Credit, SMBC còn nắm giữ 15% Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).