Báo cáo dòng vốn hàng tuần của Bank of America (BofA) cho thấy nhà đầu tư rót 31,5 tỷ USD vào cổ phiếu, rút 1,8 tỷ USD khỏi thị trường vàng và 15,4 tỷ USD từ trái phiếu. Lợi suất trái phiếu tuần trước tăng cao do lo ngại lạm phát trong khi cổ phiếu công nghệ bị nhà đầu tư bán tháo để chuyển sang cổ phiếu giá trị.
Dẫn số liệu từ EPFR Global, BofA nhận định tuần trước ghi nhận dòng vốn lớn thứ ba từ trước đến nay chảy vào thị trường chứng khoán mới nổi, lớn thứ hai vào cổ phiếu giá trị.
“Chúng tôi tin năm 2020 đánh dấu đáy trăm năm có một với lạm phát và lãi suất”, BofA cho biết, lưu ý đến diễn biến vượt trội của chỉ số Russell 2000 so với Nasdaq (cổ phiếu công nghệ chiếm tỷ trọng lớn).
Theo BofA, chính phủ Mỹ dự kiến chi tiêu mạnh tay trong năm 2021, khiến lợi suất trái phiếu tăng hoặc USD giảm giá để “tài trợ tài chính vượt mức”. Nợ của Mỹ kéo dài sẽ khiến biến động gia tăng khi lợi suất cao kết hợp với USD mất giá.
Chính sách nới lỏng định lượng và kiểm soát đường cong lãi suất tại các nền kinh tế nhóm G7 “không còn có thể đẩy lãi suất/biên lãi/khối lượng xuống thấp hơn nữa”, BofA lưu ý. Lãi suất và biến động “không còn được neo”. Các điều kiện tài chính đều đã qua “đỉnh nới lỏng”.
Tại Ấn Độ, thị trường chứng khoán những tháng gần đây tăng liên tục, chỉ số Sensex vượt mốc 50.000 để lập đỉnh lịch sử 52.154,13 điểm hôm 15/2. Trái lại, thị trường vàng lao dốc, từ đỉnh hơn 57.000 rupee (hơn 780 USD)/10 gr xuống quanh 46.000 rupee/10 gr.
Một số nhà đầu tư nghĩ rằng giá cổ phiếu không bền vững. Thay vì đầu tư toàn bộ vào thị trường chứng khoán, họ ưu tiên hơn những ETF vàng với kỳ vọng giá kim loại quý này tăng khi thị trường chứng khoán lao dốc.