Luật Kinh doanh BĐS 2006 từng quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS phải bán nhà, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch BĐS. Vì vậy, giai đoạn thị trường BĐS tăng nhiệt, sàn BĐS mở ra “như nấm sau mưa” đã làm lũng đoạn thị trường, làm cho giá thị trường tăng ảo, người mua nhà không tiếp cận được với giá thật. Các sàn “hét” giá chênh, thu tiền chênh mà chủ đầu tư có thể biết, có thể không biết và họ kiếm lời trên lưng của chủ đầu tư.
Có nơi, giá gốc mỗi mét vuông chung cư chỉ từ 13 đến 16 triệu đồng, nhưng khi qua sàn bị thổi lên 30-40 triệu đồng/m2 không chỉ gây thiệt hại cho người dân, mà còn gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp. Luật Kinh doanh BĐS 2014 ra đời đã “bãi bỏ” quy định giao dịch BĐS qua sàn. Thế nhưng, trong dự thảo Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi mới đây, Bộ Xây dựng lại đưa ra quy định bắt buộc mua bán BĐS phải qua sàn giao dịch.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trên cả nước có khoảng 1.600 sàn giao dịch BĐS được thành lập và đa phần các sàn giao dịch BĐS có quy mô nhỏ, tính chuyên nghiệp chưa cao, năng lực tài chính thấp, điều kiện về cơ sở vật chất, năng lực chuyên môn của đội ngũ nhân sự còn yếu.
Theo Bộ Xây dựng, việc bỏ quy định giao dịch BĐS phải thông qua các sàn giao dịch (theo Luật Kinh doanh BĐS 2006) đã dẫn đến nhiều hệ lụy như: Tạo cơ sở cho việc hình thành các dự án ma, vụ lừa đảo khách hàng từ chính các chủ đầu tư không tuân thủ quy định pháp luật; khó khăn trong quản lý…
Ông Vũ Kim Giang, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh BĐS Hải Phát cho biết, để thị trường phát triển lâu dài, bền vững, việc giao dịch BĐS bắt buộc và cần thiết phải thông qua một tổ chức chuyên nghiệp. Khi đó, mọi thông tin sẽ được niêm yết, công khai, minh bạch, tính pháp lý sẽ được mang vào giao dịch và sẽ kiểm soát được tình trạng đầu cơ như hiện nay.
Ông Giang cho rằng, không có chuyện tăng giá bán BĐS khi giao dịch qua sàn, bởi khi chủ đầu tư gửi bán các sàn giao dịch chỉ nhận được hoa hồng. “Bản chất là giao dịch dân sự. Để mua bán công khai minh bạch, bản thân phía khách hàng phải trang bị kiến thức như đọc hợp đồng khi kí kết, chủ đầu tư giao cho đơn vị trung gian phải có giám sát, kiểm soát. Hằng năm, hằng tháng, các cơ quan như Sở Xây dựng kiểm tra sàn BĐS sẽ hạn chế rủi ro cho khách hàng”, ông Giang nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho biết, theo dự thảo Luật Kinh doanh BĐS, chủ đầu tư dự án BĐS phải thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê mua, cho thuê nhà ở, công trình xây dựng thông qua sàn giao dịch là không phù hợp với các nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng theo pháp luật về dân sự, về đầu tư, về thương mại, xâm phạm quyền tự chủ kinh doanh của chủ đầu tư. Hơn nữa, quy định trong dự thảo luật như vậy tạo cho các sàn “đắc lợi”, “tay không bắt giặc” khi không bỏ vốn đầu tư nhưng lại được đặc quyền bán 80% sản phẩm của dự án.