BVSC: Chu kỳ nợ xấu mới của TPBank đã lành mạnh và được kiểm soát tốt hơn hơn chu kỳ trước

BVSC: Chu kỳ nợ xấu mới của TPBank đã lành mạnh và được kiểm soát tốt hơn hơn chu kỳ trước

Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) vừa có báo cáo phân tích về ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – TPB). 

BVSC đánh giá, chu kỳ nợ xấu mới của TPBank (2015-19) lành mạnh hơn chu kỳ trước dù đã nhích dần lên 1,3% năm 2019 từ 0,8% năm 2015. Cuối Quý 2/2020, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của ngân hàng ở mức 1,5%, trong khi Nợ nhóm 2 giảm xuống 1,9%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên 112,7% so với 76,0% Quý 1/2020 và 97,8% cuối 2019. 

Theo BVSC, chu kỳ nợ xấu mới của TPBank hình thành sau quá trình tích cực mở rộng hoạt động cho vay mua xe. Dù nợ xấu nhích dần lên mức 1,3% năm 2019, nhóm phân tích cho rằng chu kỳ nợ xấu mới lành mạnh và kiểm soát tốt hơn chu kỳ trước đó. Trong năm 2019, ngân hàng đã tích cực xóa 585,1 tỷ đồng nợ xấu  có liên quan đến các khoản vay không thế cấp, đặc biệt là từ thẻ tín dụng.  

Đệm dự phòng của TPBank cũng đã tăng lên 112,1% cuối Quý 2/2020. Nguồn vốn ngắn hạn của TPB được sử dụng để cho vay trung và dài hạn ở mức 63,58%, cùng với hệ số an toàn vốn CAR (Basel II) ở mức 11,24%, tạo tiền đề cho sự phục hồi có ý nghĩa đối vởi mảng vay bán lẻ (đặc biệt là thế chấp nhà ở) của TPB trong 6 tháng cuối năm 2020 và năm 2021. 

TPBank đang định hướng trở thành ngân hàng số hàng đầu Việt Nam, và hiện là ngân hàng bán lẻ quy mô nhỏ, hiện đại với thế mạnh chính là cho vay mua nhà và ô tô.

Dư nợ cho vay bán lẻ của TPBank đã liên tục tăng, từ 38,6% tổng cho vay khách hàng cuối năm 2015 lên mức 53,3% cuối năm 2019. 

“Chúng tôi nhận thấy TPB đã đi theo xu hướng chung toàn ngành ngân hàng, do phân khúc bán lẻ giúp tối ưu hóa lợi nhuận và phân tán rủi ro tập trung nhờ lợi suất cao hơn và quy mô các khoản vay nhỏ. Trong đó, cho vay mua nhà và mua xe là những động lực chính, với tốc độ tăng trường kép giai đoạn 2015-19 lần lượt đạt 84,9% và 78,7%”, chuyên gia BVSC nhận định. 

Trong hai phân khúc cho vay chiến lược này, TPB đã áp dụng chiến lược cho vay theo chuỗi giá trị, ngân hàng hợp tác từ các bên thuộc chuỗi giá trị ban đầu (các nhà phát triển bất động sản, nhà sản xuất ô tô) cho đến các bên trung gian (nhà thầu hoặc nhà phân phối ô tô) đến người dùng cuối (người mua nhà và ô tô). Chiến lược này mang lại lợi ích cho các ngân hàng có quy mô nhỏ như TPB, tạo ra dòng tiền ổn định, lượng tiền gửi không kỳ hạn lành mạnh trong hệ thống và từ đó giảm thiểu rủi ro thanh khoản.

Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của TPBank, BVSC cho rằng nhìn chung chưa cho thấy mức độ ảnh hưởng đáng kể bởi Covid- 19. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trong nửa đầu năm tăng trưởng 25,6% so với cùng kỳ lên 2.034 tỷ nhờ tăng trưởng thu nhập từ lãi thuần, lợi nhuận từ giao dịch ngoại hối và phí trả trước một lần từ hợp tác với banca độc quyền và cắt giảm OPEX. Với những tác động tiêu cực từ Covid- 19, BVSC dự báo triển vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2020 của TPB sẽ tăng chậm lại, dự báo LNTT của TPB là 4.121 tỷ đồng ( tăng 6,5%).

Đồng thời, BVSC cũng đánh giá triển vọng lợi nhuận hậu Covid-19 của TPBank khá lạc quan. Dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2021 của TPBank sẽ phục hồi tăng 15,5% lên 4.758 tỷ nhờ các cho vay khách hàng quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng tốt, NIM cải thiện và sự phục hồi đáng kể từ phí và thu nhập hoa hồng banca.