Hãy tưởng tượng bạn là một nhà sáng lập của doanh nghiệp trị giá hàng tỷ USD. Gần như chắc chắn rằng bạn sẽ sở hữu một ngôi nhà rộng lớn, kỳ nghỉ trên hòn đảo Caribbean, siêu xe. Tuy nhiên, đó không phải là những gì Billy Markus đã mua khi anh bắt đầu kiếm được tiền từ những con chip vào năm 2015. Markus (38 tuổi) là kỹ sư phần mềm đã tạo ra đồng tiền số được lấy cảm hứng từ tấm “ảnh chế” Dogecoin. Không giống như Bitcoin, Dogecoin không có giới hạn về số lượng và được tạo ra từ việc đào coin.
Giờ đây, Dogecoin đã chạm mức vốn hóa gần như không tưởng là 9,1 tỷ USD – ngang bằng với Dropbox hoặc Under Armour, sau khi được nhà đầu tư Reddit thúc đẩy mức tăng tới 1.400% từ 0,5 cent đến 7 cent. Dẫu vậy, Markus lại mong rằng mọi người nhận ra rằng anh không còn tham gia vào dự án này và cũng không thể giới hạn nguồn cung đồng tiền này để giúp nhà đầu tư Dogecoin trở nên giàu có.
Chia sẻ trên Reddit vào hôm thứ Hai, Markus đã làm rõ về vấn đề trên, cho biết anh đã rời khỏi dự án từ khoảng năm 2015. Ngoài ra, anh đã bán toàn bộ Dogecoin từng sở hữu vào cùng năm và số tiền anh có khi đó chỉ đủ để mua một chiếc Honda Civic đã qua sử dụng.
Markus hiện đang làm kỹ sư phần mềm cho một công ty giáo dục ở Vịnh San Francisco. Anh cho biết Dogecoin và sự điên cuồng trong thời gian gần đây là một điều không tưởng khi Markus và nhà đồng sáng lập Jackson Palmer chỉ tạo ra đồng tiền này như một trò đùa.
Chia sẻ với Bloomberg, Markus cho biết: “Tôi thấy những lời đồn trên mạng xã hội rằng tôi sở hữu toàn bộ số tiền này. Nhưng tôi chỉ là một người lao động bình thường. Tôi không gặp khó khăn nhưng tôi không hề giàu có.”
Dù là nhà sáng lập của đồng tiền này, nhưng Markus lại không thể giải thích xu hướng gần đây. Anh nói: “Tôi không liên quan gì đến Dogecoin nữa nhưng thật kỳ lạ là một thứ tôi tạo ra lại trở thành một phần của văn hóa internet. Thật thú vị khi Elon Musk nói về nó. Dù khá ngớ ngẩn nhưng đằng sau đó là một sự bùng nổ.”
Tỷ phú Elon Musk đã nhiều lần chia sẻ sự ủng hộ đối với Dogecoin, dù có thể đây chỉ là những câu nói đùa. Hôm thứ Tư, vị CEO của Tesla cho biết ông đã mua một số Dogecoin cho con trai nhỏ của mình.
Lý do tại sao và quá trình Dogecoin lại tăng nhanh đến như vậy vẫn là một bí ẩn đối với Markus. Sự điên cuồng, cùng những dòng tweet với nội dung ủng hộ từ vị tỷ phú giàu nhất thế giới cũng không có ý nghĩa gì với nhà sáng lập của Dogecoin. Markus cho hay: “Có lẽ Dogecoin có thể là một phong vũ biểu tốt cho việc mọi thứ có thể đi được bao xa so với thực tế.”
Tuy nhiên, đối với tất cả những điều nực cười xung quanh sự trỗi dậy của Dogecoin, có một lý do nổi bật để giải thích, đó là hiệu ứng Lindy – hiện tượng được Nassim Nicholas Taleb nói đến trong các sản phẩm của ông. Hiệu ứng Lindy là một khái niệm cho rằng tuổi thọ tương lai của những thứ không dễ hư hỏng như công nghệ hay ý tưởng tỷ lệ nghịch với tuổi hiện tại của chúng, do đó mỗi giai đoạn tồn tại được thêm có nghĩa là tuổi thọ còn lại sẽ dài hơn.
Dogecoin được tạo ra vào năm 2013, do đó đây là một loạt tiền số khá “già”. Theo hiệu ứng Lindy, hơn 7 năm tồn tại của đồng tiền này – với phần lớn thời gian trải qua “mùa đông đối với tiền số”, là một dấu hiệu của khả năng hồi phục và bằng chứng cho thấy đây không chỉ là một xu hướng nhất thời.
Dù có phải là sự cuồng loạn hay không, thì Markus vẫn hài lòng với những điều tốt đẹp đến từ cộng đồng ủng hộ Dogecoin. Ngoài việc tài trợ cho các sự kiện của NASCAR (Hiệp hội quốc gia về đua xe ô tô Mỹ), những nhà đầu tư cá nhân của Dogecoin đã huy động quỹ cho đội trượt tuyết Jamaican tham dự Olympic mùa đông năm 2014 ở Sochi (Nga) và hoàn tiền cho những người chịu ảnh hưởng trong một vụ tấn công mạng vào Giáng sinh năm 2013.
Tham khảo Bloomberg